Với chi phí sinh hoạt thấp, lực lượng lao động kỹ thuật trẻ cùng mạng lưới công nghệ số phát triển cộng với việc “mở cửa” cho kinh doanh, Đông Nam Á đang ngày càng trở nên hấp dẫn các công ty khởi nghiệp và dân công nghệ thường xuyên di chuyển.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm ở Đông Nam Á cũng mang lại nhiều cơ hội cho các dự án khởi nghiệp trong khu vực.
Ngoài ra, việc hình thành các chương trình, mạng sáng kiến khởi nghiệp cũng mở ra nhiều cơ hội hỗ trợ cho các startup tại Đông Nam Á. Chẳng hạn, năm 2016, Sáng kiến Hỗ trợ khởi nghiệp Du lịch vùng Mekong (MIST) đã được khởi xướng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Mới đây, ngày 7/4, tại Diễn đàn Sáng kiến Đổi mới ASEAN – Nhật Bản, Câu lạc bộ Doanh nghiệp ASEAN (một nhóm các công ty hàng đầu ở Đông Nam Á) cũng đã ký một bản ghi nhớ hợp tác với 9 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản để hình thành mạng Sáng kiến ASEAN-Nhật Bản.
Thực tế, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh tại nhiều thành phố Đông Nam Á, trong đó nổi “điểm sáng”: Penang (Malaysia), Chiang Mai (Thái Lan), Đà Nẵng (Việt Nam), Bandung (Indonesia), Bali (Indonesia).
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là một trong những thành phố năng động và rất chú trọng đến việc phát triển phong trào khởi nghiệp.
Với vị thế là thành phố 4 liên tiếp (từ 2013-2016) và 7 năm giữ ngôi vương trong bảng xếp hạng PCI do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, Đà Nẵng đã và đang tích cực thành lập các hội đồng, trung tâm, vườn ươm cũng như kêu gọi các quỹ đầu tư hỗ trợ để phát triển mạng lưới khởi nghiệp.
Nhiều công ty lớn như FPT, Viettel,… cũng đang gia tăng các khoản đầu tư vào Đà Nẵng để biến thành phố biển này trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
KIỀU CHÂU