Ảnh minh họa.
Trong lịch sử kinh tế, đôi lúc lại có một loại hàng hóa mới xuất hiện, tạo ra một ngành công nghiệp phát triển nhanh và nhiều lợi nhuận, khiến chính phủ phải can thiệp để kiềm chế những doanh nghiệp lớn.
Cách đây một thế kỷ, loại hàng hóa đó chính là dầu mỏ. Giờ đây, đang có nhiều mối quan ngại tương tự xuất hiện xung quanh dữ liệu, vốn là thứ dầu mỏ của kỷ nguyên số. 5 tập đoàn CNTT khổng lồ Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft dường như đã trở thành một thế lực không thể ngăn cản được, còn được gọi là “Bộ năm đáng sợ” (Frightful Five) hay FAMGA.
Đây là 5 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thế giới. Chỉ trong quý I/2017, tổng lợi nhuận ròng của nhóm này là hơn 25 tỷ USD. Amazon thu về một nửa số tiền chi tiêu trực tuyến ở Mỹ, còn Google và Facebook chiếm gần như tất cả tăng trưởng doanh thu trong quảng cáo số ở Mỹ năm ngoái.
Sự thống trị này của FAMGA đã làm nảy sinh các lời kêu gọi nên chia tách các công ty này ra, như trường hợp của Standard Oil vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, khổng lồ không phải là một cái tội. Sự thành công của những doanh nghiệp này đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Rất ít người muốn sống mà không có công cụ tìm kiếm của Google, dịch vụ giao hàng trong một ngày của Amazon hoặc những cập nhật tin tức trên Facebook.
Nếu áp dụng các tiêu chuẩn chống độc quyền thông thường thì các công ty này cũng không mắc phải điểm nào. Thay vì tận dụng thị phần lớn để ép giá người tiêu dùng, nhiều dịch vụ của họ lại được cung cấp hoàn toàn miễn phí (để đổi lại dữ liệu từ người dùng). Và sự trỗi dậy của những công ty mới nổi như Snapchat cho thấy những doanh nghiệp mới tham gia thị trường vẫn có thể tạo ra chỗ đứng.
Nhưng chúng ta vẫn có nhiều lý do để lo lắng. Việc các công ty Internet kiểm soát dữ liệu mang lại cho họ sức mạnh to lớn. Những quan điểm về cạnh tranh hiện nay, vốn xuất phát từ thời đại dầu lửa, đã trở nên lỗi thời trong cái gọi là “nền kinh tế dữ liệu”. Đây là lúc để thay đổi tư duy.
Số lượng tự thân nó cũng là một chất lượng
Những điều gì đã thay đổi trong một thập kỷ qua? Điện thoại thông minh và internet đã làm dữ liệu trở nên phong phú, phổ biến và có giá trị hơn rất nhiều. Cho dù bạn đang chạy, xem truyền hình hay thậm chí chỉ ngồi trên xe hơi, hầu như mọi hoạt động của bạn đều tạo ra dấu vết số – nguyên liệu thô để tạo ra dữ liệu. Khi các thiết bị từ đồng hồ đến ôtô đều được kết nối Internet, lượng dữ liệu ngày càng tăng: có một số ước tính rằng một chiếc xe tự lái sẽ tạo ra 100 gigabyte mỗi giây.
Trong khi đó, các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giúp tạo ra nhiều giá trị hơn từ dữ liệu. Các thuật toán có thể dự đoán khi nào khách hàng sẵn sàng mua một món hàng, một động cơ phản lực cần được bảo trì hoặc một người có nguy cơ mắc bệnh. Những gã khổng lồ về thiết bị công nghiệp như GE và Siemens bây giờ cũng tự xem mình là những công ty dữ liệu.
Việc gia tăng lượng dữ liệu làm thay đổi bản chất của cạnh tranh. Những gã khổng lồ công nghệ luôn được lợi từ hiệu ứng mạng (network effect): càng có nhiều người sử dụng Facebook, thì nó sẽ càng trở nên hữu ích đối với những người khác. Việc ứng dụng dữ liệu sẽ tạo ra thêm nhiều hiệu ứng mạng nữa: Bằng cách thu thập thêm dữ liệu, một công ty dễ dàng cải tiến sản phẩm, thu hút thêm người dùng, tạo ra nhiều dữ liệu hơn,…
Nếu hãng xe Tesla càng thu thập được nhiều dữ liệu hơn từ những chiếc xe tự lái, thì những chiếc xe này sẽ càng hoạt động hiệu quả hơn. Đây là một phần nguyên nhân vì sao mà hãng Tesla dù chỉ bán được 25.000 chiếc ô tô trong quý I/2017 nhưng lại có giá trị vốn hóa cao hơn GM với doanh số 2,3 triệu chiếc. Những bộ cơ sở dữ liệu khổng lồ có thể tạo thành những thành trì vững chắc bảo vệ giá trị của doanh nghiệp.
Việc có trong tay lượng lớn dữ liệu cũng là một cách bảo vệ các công ty khỏi sự cạnh tranh với các đối thủ khác. Tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ có thể được bảo đảm, nếu vẫn còn tồn tại khả năng cho phép những công ty mới nổi lật đổ những gã khổng lồ, hoặc có những công nghệ mới làm thay đổi hoàn toàn luật chơi. Nhưng cả hai khả năng trên ngày cảng ít xảy ra hơn trong thời đại dữ liệu.
Hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu của những doanh nghiệp CNTT khổng lồ bao trùm lên hết cả nền kinh tế: Google có thể nhìn thấy những gì mọi người tìm kiếm, Facebook biết những gì họ chia sẻ, Amazon biết những gì họ mua. Những công ty này cũng sở hữu luôn các chợ ứng dụng, hệ điều hành và cho những công ty khởi nghiệp thuê lại hệ thống đám mây của họ. Họ có một “đôi mắt của Chúa” để biết được hoàn toàn các hoạt động trong thị trường. Họ có thể nhìn thấy khi nào một sản phẩm hoặc dịch vụ mới bắt đầu thu hút sự chú ý, cho phép họ sao chép lại nó hoặc đơn giản là mua lại luôn những công ty có khả năng trở thành đối thủ. Việc Facebook bỏ ra 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin với chưa đầy 60 nhân viên, được xem một vụ sáp nhập nhằm loại bỏ các đối thủ tiềm năng (shoot-out acquisition). Như vậy, dữ liệu có thể làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Thế thì việc chống độc quyền cần phải thay đổi ra sao?
Bản chất của dữ liệu làm cho các biện pháp chống độc quyền của quá khứ trở nên kém hiệu quả. Việc tách một công ty như Google thành năm công ty con (Googlets) sẽ không ngăn chặn được hiệu ứng mạng từ các công ty này: tới một lúc nào đó, một trong số họ sẽ trở lại thành một người khổng lồ như xưa. Việc thay đổi cách tư duy chống độc quyền là rất cần thiết, và hiện đang có hai ý tưởng nổi bật hơn hẳn.
Ý tưởng thứ nhất là các cơ quan chống độc quyền cần phải chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp cuối thế kỷ 19 sang kỷ nguyên số của thế kỷ 21. Ví dụ, khi xem xét một vụ sáp nhập, các cơ quan này thường quan tâm đến quy mô của các doanh nghiệp để quyết định khi nào cần can thiệp. Bây giờ họ cần phải tính đến khối dữ liệu của các công ty khi đánh giá tác động của một giao dịch M&A.
Giá mua cũng có thể là tín hiệu cho thấy bên mua đang muốn ngăn chặn một mối đe dọa mới. Ví dụ, việc Facebook sẵn sàng vung ra gần 20 tỷ USD cho WhatsApp, dù công ty này chưa có nhiều doanh thu, sẽ là một dấu hiệu về hành vi “bóp chết cạnh tranh”. Các cơ quan chống độc quyền cũng cần phải ứng dụng dữ liệu hiệu quả hơn, ví dụ bằng cách sử dụng phương pháp mô phỏng để săn lùng việc các thuật toán dàn xếp giá cả, hoặc xác định cách tốt nhất để thúc đẩy cạnh tranh.
Ý tưởng thứ hai là giảm bớt quyền kiểm soát dữ liệu của các tập đoàn lớn, và tăng thêm quyền lực cho người dùng. Các công ty có thể buộc phải tiết lộ cho người tiêu dùng về những thông tin mà họ đang nắm giữ, và họ kiếm được bao nhiêu tiền từ nó.
Các chính phủ có thể khuyến khích sự xuất hiện của các dịch vụ mới bằng cách mở cửa kho dữ liệu mà họ đang quản lý, hay đóng luôn vai trò quản lý những phần quan trọng của nền kinh tế dữ liệu như đang làm với các hệ thống cơ sở hạ tầng. Ấn Độ đã làm điều này với hệ thống căn cước số Aadhaar. Chính phủ cũng có thể yêu cầu các tập đoàn phải chia sẻ lại một số loại dữ liệu nhất định, với sự đồng ý của người dùng – Châu Âu đang yêu cầu các ngân hàng phải cho phép các bên thứ ba có thể tiếp cận dữ liệu khách hàng của họ.
Việc tăng cường chống độc quyền cho thời đại thông tin là chuyện không dễ dàng. Nó sẽ gây ra những rủi ro mới: ví dụ, việc chia sẻ dữ liệu nhiều hơn có thể đe dọa đến sự bảo mật thông tin cá nhân. Nhưng nếu các chính phủ không muốn một nền kinh tế dữ liệu bị thống trị bởi một vài tập đoàn khổng lồ, họ sẽ phải hành động sớm trước khi quá muộn.
Bá Ước
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư