GS Hoàng Tụy Một nhà toán học và giáo dục lớn của Việt Nam

Hãy hết lòng với khoa học, trong khó khăn hãy vươn lên, người trí thức không thể sống hèn.

Con người không có cảm xúc, không rung động, vô cảm trước mọi việc thì không thể làm được bất cứ việc gì.

Nếu có ai hỏi tôi biện pháp gì đột phá có thể nâng cao chất lượng đại học Việt Nam, tôi không chút ngập ngừng trả lời ngay đó là: Sửa đổi chế độ lương cực kỳ phi lý, bất công, vô hiệu quả.

Hoàng Tụy

hoangtuy
GS Hoàng Tụy

Ngày 7 tháng 12 năm 2007 kỷ niệm đúng 80 năm tuổi của GS Hoàng Tụy. Ông là hậu duệ của cụ Hoàng Diệu bất khuất. Sinh nhật thượng thọ của Ông là một sự kiện đáng ghi nhớ cho giới làm toán việt nam, cho những người có lòng yêu khoa học, chân lý và quan tâm đến những vấn đề giáo dục sôi bỏng của đất nước, tuy rằng chắc Ông không muốn nghĩ như thế. Ông vốn là con người khiêm tốn giản dị, không muốn được người khác ca ngợi. Ca ngợi bây giờ đây đã bị lạm phát, nên ông lại càng không muốn thấy ca ngợi. Nhưng tôi phải viết đôi điều.

GS Hoàng Tụy là người đã dám chấp nhận và chịu đựng bao thử thách, bên ngoài cũng như bên trong, với một nghị lực tôi cho là phi thường, để đi đến những khám phá toán học có ý nghĩa, đóng góp đáng kể vào nền toán học thế giới. Ông đã sống với niềm đam mê toán học, với triết lý nhẫn nhục chịu đựng của phương Đông, và với khí tiết của Hoàng Diệu trong tính cách. Những thử thách ghê gớm của chiến tranh và của những nghịch cảnh do cơ chế đẻ ra chỉ làm hình thành rõ nét thêm nhân cách và con người ông, như ngọc trong đá: “Những điều trải qua (trong những năm chiến tranh) đóng vai trò chính yếu trong việc hình thành nhân cách tôi và chúng trở thành một phần của tôi”. Có lẽ nhận xét sau đây của Sven Erlander, Chủ tịch Đại học Linköping, Thụy Điển, nơi ông đã hợp tác nhiều năm liền, lột tả được phần nào tính cách của ông: “Tôi cho rằng Hoàng Tụy là một người hiền, với một quá khứ và kinh nghiệm sống khác thường. Dường như không có một khó khăn hay thách đố nào – trong toán học, giáo dục, quản lý hay nói chung trong cuộc sống – mà ông không biến nó thành một nỗ lực để thành công”. Chúng ta nhớ đến câu nói bất hủ của Einstein: Sự lớn lao trong khoa học chủ yếu là một vấn đề tính cách. Chẳng phải ở GS Hoàng Tụy chúng ta lại gặp một mẫu người có tính cách mạnh mẽ đó hay sao?

C:\Users\HP\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCacheContent.Word\Hoang Tuy.jpg

Kỷ yếu Hoàng Tụy, 2007

Với sự góp mặt: Nguyễn Đình An − Đặng Đình Áng − Vũ Thành Tự Anh – Nguyễn Huệ Chi – Nguyễn Văn Chiển − Lê Văn Cường − Phan Đình Diệu − Hồ Ngọc Đại – Chu Hảo − Hồ Tú Bảo –Trần Nam Bình – Phạm Huy Điển − Phạm Duy Hiển – Hoàng Ngọc Hiến – Nguyễn Đăng Hưng − Hà Huy Khoái − Neal Koblitz – Hiroshi Konno – Takahito Kuno – Bùi Trọng Liễu − Taketomo Mitsui – Nguyên Ngọc – Hoàng Xuân Phú − Việt Phương − Vĩnh Sính − Bùi Văn Nam Sơn – Tôn Thất Nguyễn Thiêm − Trần Văn Thọ − Bùi Văn Tiếng − Phạm Toàn – Hà Dương Tường –Cao Huy Thuần − Lê Ngọc Trà − Trương Nguyễn Trân – Nguyễn Đình Trí − Ngô Việt Trung – Nguyễn Văn Trọng – Hà Dương Tuấn – Nguyễn Tùng − Vũ Quang Việt − Phạm Xuân Yêm −Nguyễn Xuân Xanh

Có thể ví những bước đi của ông là “ngàn dặm”. Từ Liên Khu V ra Việt Bắc cả ngàn cây số, một cuộc chinh phục bằng đôi chân đất. Từ Hà Nội sang Mátxcơva, nửa vòng trái đất một mình đến thế giới xa lạ, một cuộc chinh phục bằng trí tuệ. Lúc ông phải vượt lên cơn bão dữ đang ập lên mình cũng là lúc toán học của ông mang tính toàn cục: “Ai biết đâu rằng chính thời gian ấy (bị bom đạn và sơ tán của những năm 60), ban ngày chúng tôi lên lớp, chạy máy bay, ban đêm chong đèn viết kiểm điểm: nào là trù dập công nông, nào là chuyên môn thuần túy, nào là nghiên cứu khoa học lý thuyết suông, nào là thiên tài chủ nghĩa, v.v. không có cái mũ to nào mà không bị chụp lên đầu”…“và cũng chính là thời gian mà vượt lên mọi gian khổ chồng chất tôi đã nảy ra ý tưởng tối ưu toàn cục sau này đã trở thành hướng chủ đạo sự nghiệp khoa học 42 năm qua của tôi” như GS viết trong số Kỷ yếu Đặng Đình Áng một năm trước đó.

GS Hoàng Tụy là một trong những người đã hội nhập thành công trong cuộc chơi toàn cầu hóa mà ông cha ta không vượt qua được. Những ai không hiểu cái lôgic và sức mạnh của khoa học đều bị sụp đổ. Sáng tạo ra những giá trị khoa học có tính toàn cầu là cần thiết hơn bao giờ hết cho người Việt Nam. “Một nền khoa học không có những năng lực hay ý hướng tác động vượt khỏi khuôn khổ của dân tộc thì không xứng đáng với cái tên của nó” như Max Planck viết. Sáng tạo để tinh luyện chính bản thân, để góp phần xây dựng mới bản sắc của dân tộc đã bị lu mờ, và để nhổ đi gốc rễ của sức ỳ, của nhân sinh quan dễ dàng chấp nhận những xác tín khô cằn mà ngỡ đó là những chân lý bất di bất dịch.

GS Hoàng Tụy đã thoát khỏi thế giới cũ kỹ này. Ông khe khắt với cả chính mình, như khoa học khe khắt với những ai muốn khám phá nó. Ai không tự khe khắt, không thể bước qua cổng “đền thờ khoa học” được. Một nền khoa học quốc gia không tự khắt khe với mình, không thể có sáng tạo được, và không thể vực dậy thế giới tinh thần và văn hóa của đất nước đang trì trệ, dân tộc sẽ không thể vươn lên để trưởng thành, không đóng góp được gì quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại. Và không biết mình là ai.

Tập sách các bài viết nóng bỏng về giáo dục của GS Hoàng Tụy, 2011.

Một số trích dẫn (bôi đậm và viết nghiêng là của GS):

Tụt hậu mà không nhận thức được sự tụt hậu cho đến nay vẫn là trở ngại tư tưởng lớn nhất về phía lãnh đạo. Căn bệnh chủ quan, thiếu trung thực trước những thách thức của tình hình đã ru ngủ chúng ta quá lâu, giờ đây hình như đang biến tướng thành bệnh thoát ly thực tế, chạy theo những mục tiêu nặng về chính trị nhiều hơn là thiết thực.

Khi một xã hội biết trọng tài năng thì sẽ xây dựng được tâm lý không chịu thỏa mãn với những khuôn sáo tầm thường, luôn luôn săn tìm ý tưởng độc đáo, không ngừng cải tiến, đổi mới, vươn lên các đỉnh cao sáng tạo, nuôi hoài bão, nuôi tham vọng lớn, và cái tâm lý đó chính là nguồn động lực mạnh mẽ cho một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Còn trong một xã hội sống quen với cái làng nhàng, bằng lòng với cái tầm thường, thì cái tâm lý yên phận, trung bình chủ nghĩa, ưa lối mòn, ngại đổi mới, sợ rủi ro, sẽ chi phối hoạt động của người dân, kể cả trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, làm cho nền kinh tế thiếu tính sáng tạo cần thiết. Thật đáng buồn biết bao khi cái đất nước đã từng đưa ra ý tưởng hiền tài là nguyên khí quốc gia lại chịu thua kém thiên hạ chỉ vì chưa thật sự quý trọng chất xám, trí tuệ tài năng.

Lẽ ra là nơi gìn giữ sự trung thực và khuyến khích sáng tạo, là nơi hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ, thì nhiều nhà trường đã trở thành nơi dung túng dối trá, nơi tập cho con em nói theo, nghĩ theo, làm theo, động viên con em chỉ học để thi cho đỗ và ra đời… làm quan hoặc kiếm được nhiều tiền.

Việt Nam không thiếu người tài. Tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam dù ở trong nước hay hải ngoại, đều rất yêu nước. Do điều kiện sinh hoạt và nghề nghiệp, họ nhận rõ hơn ai hết nỗi nhục đất nước nghèo nàn, lạc hậu nên không có nguyện vọng nào tha thiết hơn là dành hết trí tuệ, công sức để giúp rửa nỗi nhục này. Nhưng để thực hiện được điều đó họ cần có những điều kiện làm việc và môi trường thích hợp, mà ở đấy, sự tự do tư tưởng, tự do sáng tạo được bảo đảm. […] Họ không ngại những khó khăn khách quan do đất nước còn nghèo, song rất dễ nản lòng trước những khó khăn giả tạo, không đáng có, dựng lên do bất công, giả dối, quan liêu. […] Có người trách trí thức sao cứ nói mãi chuyện lương tiền, mà không hiểu cho rằng đối với trí thức, chỉ một lần lặp lại chuyện này đã thấy ngượng. Ngượng cho mình thì ít mà ngượng cho đất nước mới là nỗi day dứt.

Sứ mạng của nhà trường, của thầy là phải thông qua giáo dục mà đánh thức cái tiềm năng trong mỗi học sinh, khơi dậy và phát triển cái nội lực đó của họ. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. Thầy không chỉ dạy cho học sinh học, mà còn phải từng bước dạy cho học sinh biết tự học, tự đọc sách, tìm tòi, tra cứu phát hiện ra điều mới, và ở bậc đại học hay nghiên cứu thì tập dượt sáng tạo ra tri thức mới, nghĩa là phát huy tích cực nội lực của mình để thông qua tri thức mà phát triển trí tuệ, phát triển tư duy, rèn luyện nhân cách, chứ không phải chỉ tiếp thu tri thức một cách thụ động, dù là tri thức tiên tiến.

Khoa học không thể trộn lẫn với hư danh. Khoa học chỉ có thể làm rạng danh cho những ai biết vun xới, trân trọng nó, cho nó đầy đủ tự do và điều kiện để phát triển. Chưa có nền khoa học nào phát triển được trong những quan hệ kềm hãm, phi khoa học. Chỉ có những cá nhân can đảm, anh dũng dám vươn lên khỏi chỗ bẩn chật để khám phá những cái mới. Ông cũng không phải “yêu nước một ngày”, “cách mạng một ngày” hay “cách mạng có thời hạn”, như Maxim Gorki nói, mà có lòng yêu nước vĩnh cửu, muốn sáng tạo ra những giá trị lâu bền cho dân tộc. Khoa học là phổ quát, không có tiêu chuẩn cục bộ, xóm làng. Ông không muốn một nền giáo dục chỉ có thương mại, hư danh mà không có lòng mến yêu đi tìm chân lý, không muốn một nền giáo dục chỉ có Xanthippe mà vắng bóng Socrate(1). “Mà không lo lắng sao được: trong một thế giới toàn cầu hoá, cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết, nước nào cũng xem giáo dục là vũ khí chiến đấu chính. Có chăng chỉ chúng ta còn mơ hồ về sức mạnh của vũ khí này, mặc dù Hiến pháp đã ghi rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu” như ông viết. Chúng ta phải là dân tộc yêu khoa học, “yêu chân lý hơn yêu hệ thống, sẵn sàng chấp nhận đặt lại vấn đề chính bản thân, phải luôn luôn hỏi, bắt đầu lại mới; hỏi phải là sự đam mê, chứ không phải câu trả lời làm yên tâm, và ngay cả khi được thử thách” (Schiller).

Ông là một người thầy giỏi theo nghĩa một người thầy không những dạy cho sinh viên những tri thức tiên tiến, mà còn dạy cho sinh viên con đường nghiên cứu và khám phá. Người thầy giỏi phải thầy phải là người “đã lao động đến biên giới của tri thức nhân loại, và phải khai phá được những vùng đất mới cho mình” (H. Helmholtz). Người thầy giỏi trước tiên phải là người thầy nghiên cứu giỏi để truyền lửa học thuật, để đào tạo những người nghiên cứu giỏi.

GS Hoàng Tụy thành công trong cộng đồng toán học thế giới, nhưng trên quê hương mình ông lại là người canh cánh lo âu cho vận mệnh giáo dục và khoa học nước nhà. Hai mươi năm ông đã cất cao tiếng nói cho một sự thức tỉnh. Hai mươi năm tranh đấu cho một nền giáo dục lành mạnh và phát triển. Hai mươi năm muốn đem lại giá trị, tiêu chuẩn, đạo đức và nhân phẩm cho nền giáo dục Việt Nam.

Với GS Hoàng Tụy, và thế hệ những nhà khoa học yêu nước, tâm huyết đầu tiên của Việt Nam, chúng ta cảm nhận buổi bình minh của một thời kỳ phát triển rực rỡ của toán học, khoa học đang tới trên đất nước:“Trước kia, ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, khoa học cơ bản vẫn phát triển, vì hồi ấy chúng ta biết nhìn xa trông rộng, tin tưởng ở chiến thắng và lo nghĩ đến tương lai con cháu sau khi nước nhà độc lập, thống nhất”. Nhưng rồi: “Còn bây giờ, đối với nhiều người, mối quan tâm dường như đã chuyển hướng” và “Trong vài chục năm gần đây, có thể nói trên mặt trận Toán học chúng ta lùi dần và rời bỏ một số vị trí quan trọng, nhường chỗ cho Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc. Các nhà Toán học giỏi có tâm huyết đã kêu cứu liên tục nhiều năm nhưng vô vọng”…“Trong khi ở các cơ quan nghiên cứu và đại học của một số nước trong khu vực, cái không khí tuổi trẻ hăm hở, sung sức, hăng hái và đầy tham vọng chiếm ưu thế thì ở Việt Nam, nhìn vào các cơ quan khoa học của ta chỉ thấy một màu những mái đầu bạc hay lốm đốm bạc, cùng một số người tuy chưa già dặn gì trong khoa học mà tuổi đời đã không còn trẻ”. Niềm hy vọng về buổi bình minh huy hoàng của nền khoa học đất nước đã nhạt nhòa. Đau đớn làm sao.

Bầu trời khoa học Việt Nam còn thưa quá những vì sao. Đất nước chưa đủ sáng, nếu không nói là còn mờ mịt. Cho nên càng quý trọng hơn những vì sao xuất hiện sớm chiếu sáng như gọi đàn. Như GS Hoàng Tụy.

Đời sau, vào những đêm gió lặng trời trong, người đời ngẩng mặt nhìn lên sẽ thấy, trong những vì sao chiếu sáng cho Việt Nam, có một vì sao lung linh như vẫn đang lo âu, da diết như tấm lòng không nguôi đối với đất nước, và sáng lên như để giúp cho đồng bào mình định hướng: Đó là vì sao của nhà toán học uyên thâm và yêu nước Hoàng Tụy!

NXX (2007)

Chúc Anh Chị ngày vui!

X