Bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá mạnh do dịch bệnh SARS-CoV-2 gây ra.
Việc đi lại hay mua sắm của người tiêu dùng vẫn thực hiện nhưng với tần suất thấp hơn so với trước, cơ cấu tiêu dùng của từng gia đình cũng có thay đổi đáng kể.
Theo thống kê của Aeon Việt Nam, số lượng khách đã giảm 20-35%, các mặt hàng bán đều chậm lại, chỉ riêng cho mảng sản phẩm ăn nhanh, ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là bán nhanh hơn và số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước.
Chậm nhất là những mặt hàng như thời trang, giày dép, điện máy… Doanh thu nhóm hàng điện máy có siêu thị giảm đến 30-40% như Mediamart đã công bố. Riêng nhóm hàng máy sấy, máy hút ẩm, máy lọc không khí, số lượng bán có khá hơn. Tình hình chung của các đơn vị bán lẻ chắc chắn cũng tương tự như vậy. Bộ Công thương cho biết, doanh thu bán lẻ tháng 1/2020 đạt 346.200 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng khả năng tháng 2 sẽ không đạt được mức tăng trưởng như vậy.
Điều đáng chú ý, tháng 1/2020 là khoảng thời gian có nhu cầu tăng lên về mua sắm Tết, nhưng doanh số chỉ tăng trưởng chưa đến 7% là một mức khá thấp. Trong khi doanh thu giảm thì chi phí của các đơn vị bán lẻ như khấu hao tài sản, tiền thuê địa điểm, chi phí nhân công, vận chuyển… hầu như không có thay đổi, như vậy lợi nhuận ròng của các đơn vị bán lẻ chắc chắn sẽ giảm sút.
Dịch bệnh SARS-CoV-2 là thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua.
Tình hình trên không chỉ diễn ra ở kênh thương mại hiện đại mà còn diễn ra ở các chợ dân sinh, nơi chiếm tỷ trọng 70-75% doanh số bán hàng tiêu dùng cho xã hội. Khảo sát ở một số chợ cho thấy doanh số đều bị sụt giảm khi có dịch, tương tự như ở kênh bán hàng hiện đại.
Đây là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn. Ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình trước hết. Đổi mới một cách toàn diện, nhằm khắc phục những khiếm khuyết trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của mình.
Trước hết về chất lượng giá cả hàng hóa kinh doanh, chất lượng ngày càng phải nâng lên, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Về giá cả, cần rà soát lại các mức giá vô lý, không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá về một mức mà thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ.
Chất lượng thực phẩm và mức giá bán cần được kiểm tra và rà soát nghiêm ngặt.
Thời gian này cũng là cơ hội để tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững. Văn hóa kinh doanh càng phải được đề cao. Trong giai đoạn này, những hành vi bán hàng lợi dụng có dịch để trục lợi phải bị phê phán và xử lý kịp thời.
Mối quan hệ giữa kênh bán lẻ với nhà cung ứng, nhà sản xuất phải bình đẳng, có trách nhiệm, hỗ trợ lẫn nhau. Những cuộc giải cứu của siêu thị đối với thanh long, dưa hấu như vừa qua là tốt, nhưng vẫn còn có những điều tiếng về việc đàm phán giá hàng giải cứu, mang sức ép của một số đơn vị bán lẻ đối với những người đang ở thế bị động. Bán xong 1kg dưa hấu mà nông dân chỉ còn 1000đ thì sự giải cứu này hình như còn mang tính áp đặt và chưa được trọn vẹn.
Luôn đổi mới theo hướng hoàn thiện, hiệu quả, tạo niềm tin nhiều hơn là xu hướng tất yếu của quá trình đổi mới và phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có bán lẻ – một ngành kinh tế quan trọng của mọi đất nước. Chúng ta tin tưởng rằng, những tổ chức cá nhân làm nhiệm vụ này cần phải nắm bắt cơ hội để tự giác đổi mới mạnh mẽ bản thân mình trong thời bình cũng như lúc có dịch để phát triển vững chắc hơn.
Làm được như vậy sẽ góp phần vào nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất và phục vụ tiêu dùng xã hội một cách văn minh và hiệu quả. Đó là con đường duy nhất mà các nhà bán lẻ trong thời đại ngày nay phải phấn đấu “quyết liệt” để hoàn thiện tổ chức của mình.
Vũ Vinh Phú – Chuyên gia Kinh tế
* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp