Các nhà phát triển đã xác định Telegram là một sản phẩm không bị kiểm soát bởi cơ quan chức năng của bất kỳ quốc gia nào, minh chứng bằng việc họ không tiết lộ nơi thuê văn phòng hay đặt máy chủ, thậm chí cả tên pháp nhân đứng ra thuê địa điểm hoạt động cũng là một ẩn số.
Những ngày gần đây, người ta đã nói nhiều về quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Twitter. Trong khi Twitter chặn tổng thống Donald Trump thực hiện những bài viết trên mạng xã hội này thì Facebook buộc người dùng WhatsApp – một ứng dụng nhắn tin nổi tiếng được họ mua lại – phải chia sẻ dữ liệu. Đáng nói hơn cả, Facebook từng có một vụ bê bối về việc chia sẻ thông tin người dùng một cách trái phép với hãng phân tích dữ liệu Cambridge Analytica chỉ cách đây vài năm.
Những điều trên đã cho thấy rằng, những công ty công nghệ hàng đầu thế giới tỏ ra có quá nhiều quyền lực đối với người dùng. Trong bối cảnh ấy, Telegram – một phần mềm nhắn tin hoàn toàn miễn phí nhưng lại không có quảng cáo và đặc biệt không sử dụng thông tin người dùng cho những mục đích thương mại – nổi lên như một sự thay thế xứng đáng.
Tác giả của Telegram là anh em Nikolai và Pavel Durov, bộ đôi tác giả của mạng xã hội VK rất nổi tiếng tại Nga. Hai anh em nhà Durov nổi tiếng là những người cực kỳ tài năng, khi người anh Nikolai từng giành 3 huy chương vàng tại các kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) các năm 1996, 1997 và 1998, đồng thời nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Toán tại 2 trường đại học là đại học Tổng hợp Saint Peterburg và đại học Bonn. Trong khi đó, người em Pavel cũng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Ngữ văn tại Đại học Tổng hợp Saint Peterburg. Hai bộ óc thiên tài kết hợp với nhau đã tạo nên một “công cụ nhắn tin” hoàn toàn khác biệt so với những phần mềm nổi tiếng như Skype hay WhatsApp’s.
Anh em nhà Durov (Ảnh: All Russia, Russia Culture)
Năm 2013, Telegram chính thức ra mắt, tuy nhiên không được giới chuyên môn đánh giá cao, khi thị trường phần mềm nhắn tin đã có những cái tên sừng sỏ nhưng WhatsApp’s, Line, Viber hay Skype. Những phần mềm này cung cấp hầu như đầy đủ các tính năng mà người sử dụng cần, như tốc độ gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, những cuộc gọi video miễn phí… Cùng với đó là việc những ứng dụng nêu trên sở hữu một đội ngũ phát triển hùng hậu và lượng lớn người dùng ổn định, do đó, không nhiều người nghĩ rằng Telegram có thể làm nên một điều gì đó.
Tuy nhiên, từng bước một, phần mềm nhắn tin này dần dần chiếm được niềm tin của người dùng, nhất là sau những vụ bê bối liên tiếp về sử dụng thông tin người dùng. Trước hết, việc đăng ký sử dụng Telegram vô cùng đơn giản. Người dùng chỉ cần đăng ký bằng một số điện thoại, xác minh bằng SMS và có thể sử dụng tài khoản của mình trên nhiều thiết bị, với những tin nhắn được đồng bộ. Việc đăng ký diễn ra vô cùng nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời vẫn đảm bảo được tính bảo mật tài khoản cho người sử dụng.
Với những tính năng đã có ở các phần mềm nêu trên, Telegram cung cấp gần như đầy đủ. Từ tạo cuộc hội thoại nhóm, gọi điện thoại , gửi vị trí địa lý… tất cả đều được những nhà phát triển của Telegram đưa vào đầy đủ. Tuy nhiên, nếu như ứng dụng Messenger của Facebook chỉ giới hạn dung lượng tập tin trao đổi tối đa ở mức 25 MB, thì Telegram cho người dùng chia sẻ những tập tin có dung lượng lên tới 2 GB.
Ngoài ra, các tin nhắn đã gửi có thể được chỉnh sửa trong vòng 48 giờ sau khi được gửi và có thể bị xóa bất kỳ lúc nào, giúp người sử dụng có thể sửa lỗi chính tả và xóa bỏ những tin nhắn đã gửi nhầm. Mặc dù đây không phải tính năng quá mới khi đã được ứng dụng trên Skype từ rất lâu, song nó đem lại sự tiện lợi không hề nhỏ cho người dùng Telegram.
Telegram cho phép người dùng gửi lên tập tin có dung lượng tới 2GB (Ảnh: gHacks)
Tiếp đó, các nhà phát triển đã xác định Telegram là một sản phẩm không bị kiểm soát bởi cơ quan chức năng của bất kỳ quốc gia nào, minh chứng bằng việc họ không tiết lộ nơi thuê văn phòng hay đặt máy chủ, thậm chí cả tên pháp nhân đứng ra thuê địa điểm hoạt động cũng là một ẩn số. Hơn nữa, người dùng có thể sử dụng biệt danh của mình nhằm không để lộ thông tin cá nhân; các tin nhắn được mã hóa bằng giao thức MTProto. Bằng cách này, những nhà phát triển của Telegram tin rằng chính phủ cũng như hacker không thể truy cập được vào dữ liệu người dùng. Hai anh em nhà Durov tin rằng việc bảo mật thông tin người dùng là điều quan trọng nhất đối với Telegram.
Thêm nữa, Telegram hoàn toàn không thực hiện quảng cáo và không có quảng cáo giống như những ứng dụng khác, mặc dù phần mềm này hoàn toàn miễn phí. Nhiều phần mềm nhắn tin khác sử dụng quá nhiều quảng cáo, gây ra phiền toái cho người dùng; tuy nhiên Telegram đã bỏ qua nguồn tiền vô cùng béo bở này để giữ cho ứng dụng của mình được “trong sạch”. Bộ đôi nhà Durov hiện đang sử dụng nguồn tiền từ việc bán lại cổ phần trong VK cũng như đóng góp của một số nhà tài trợ khác. Trong tương lai, nếu nguồn tiền này cạn kiệt, các nhà phát triển có thể sẽ thêm các tính năng trả phí tùy chọn để duy trì hoạt động của ứng dụng. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, Telegram vẫn là một ứng dụng “sạch bóng” quảng cáo.
Cuối cùng, nhờ mã nguồn API mở mà Telegram thu hút rất nhiều người tạo ra các sticker vô cùng độc đáo. Mặc dù không phải là công ty đầu tiên giới thiệu tính năng này, song việc đồng ý cho người dùng tùy chỉnh và tạo ra những bộ sticker của riêng mình, giúp cho Telegram thu hút được rất nhiều người sử dụng phần mềm này trong những năm qua. Bất kỳ người dùng nào cũng có thể tạo ra được bộ sticker mang phong cách rất riêng của cá nhân mình, thay vì chỉ một số lượng nhất định những nhà sáng tạo như với các ứng dụng nhắn tin khác.
Một bộ sticker được tạo bởi Telegram (Ảnh: StickerTelegram)
Quả thật với những tính năng độc đáo của mình, qua các năm, số lượng người dùng Telegram tăng lên thần tốc. Vào tháng 10 năm 2013, Telegram thông báo họ có 100.000 người dùng hoạt động. Chỉ 2 năm sau, số lượng người dùng tăng lên tới 60 triệu người với 12 tỷ tin nhắn được gửi hàng ngày.
Năm 2018, số lượng người sử dụng Telegram tăng gấp 5 lần so với năm 2015, đạt 300 triệu người. Và ngay sau khi Twitter khóa tài khoản của ông Donald Trump cũng như Facebook yêu cầu người dùng WhatsApp’s chia sẻ thông tin, số lượng người sử dụng Telegram đã lên tới con số 500 triệu người, quá ấn tượng cho một ứng dụng thậm chí không hề quảng cáo.
Mặc dù vậy, Telegram vẫn còn rất nhiều điều phải cải thiện. Vì những nội dung của họ không hề được kiểm duyệt, nhiều nội dung thiếu lành mạnh được chia sẻ thông qua các cuộc hội thoại nhóm. Điều này hoàn toàn có thể tiếp tay cho những kẻ tội phạm sử dụng Telegram nhằm nhiều mục đích thiếu lành mạnh, gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội sau này.
Thêm vào đó, đã có những hacker lấy được thông tin người dùng từ Telegram, dù không nhiều, nhưng cũng cho thấy rằng ứng dụng này không hoàn toàn bảo mật tuyệt đối cho thông tin người dùng. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng Telegram đã và đang làm rất tốt công việc của một ứng dụng nhắn tin đơn giản, dễ sử dụng nhưng có độ bảo mật cũng như tính sáng tạo rất cao khi so sánh với những phần mềm nhắn tin tương tự trên thị trường.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị