Mối lương duyên hơn hai thập kỷ giữa Chủ tịch An Phước với ông vua thời trang Pierre Cardin
TheLEADERPierre Cardin - Ông vua của làng thời trang thế giới vừa tạ thế ở tuổi 98, để lại bao tiếc nuối cho các tín đồ thời trang, trong đó có mối thâm tình với ông Trần Chiến, Chủ tịch HĐTV An Phước Group, người luôn được ngài Pierre Cardin nhắc đến với cái tên thân mật “Pierre Cardin Việt Nam”!
Nổi tiếng là người tiên phong nhiều xu hướng thời trang, ông vua thời trang còn là người tiên phong cải tổ ngành công nghiệp thời trang với thương hiệu Pierre Cardin.
Mối nhân duyên với Pierre Cardin và tình bạn thủy chung kéo dài hơn 23 năm đã đưa An Phước từ một xưởng may gia công có 1.200 công nhân trở thành một thương hiệu thời trang cao cấp lớn nhất Việt Nam, mang lại cuộc cách mạng hoàn toàn mới mẻ cho phong cách sống của người Việt, nhờ chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, M&A liên tục để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiên phong ngành thời trang cao cấp Việt Nam nhờ chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”
Đúng vào ngày cuối cùng của năm 2020 đầy sóng gió của kinh tế thế giới do đại dịch Covid-19, tôi được dịp trò chuyện cùng ông Trần Chiến, vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm thương trường và đầy nghĩa tình của An Phước.
Trái tim ông lúc này tràn ngập lòng biết ơn, nỗi nhớ thương và những hồi ức thật đáng kính về Pierre Cardin, một đối tác kinh doanh vô cùng đặc biệt mà ông coi như người thầy lớn của mình, người dẫn dắt ông bước chân vào làng thời trang quốc tế, học hỏi biết bao kinh nghiệm về thiết kế, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Cuộc lương duyên giữa An Phước và Pierre Cardin bắt đầu từ cuộc gặp của ông Trần Chiến, Chủ tịch An Phước và ông Pierre Cardin vào tháng 2/1997 tại văn phòng pierre cardin ở Pháp, đặt nền móng cho sự hợp tác kéo dài gần ¼ thế kỷ.
Công ty TNHH May thêu giày An Phước được thành lập từ cơ sở An Phước năm 1992 tại miền Nam, khởi nguồn là một xưởng may gia công xuất khẩu cho công ty Nhật Bản là Nissho Iwai, Itochu… Sau 28 năm, An Phước đã trở thành một trong 20 công ty gia đình hàng đầu tại Việt Nam (theo Forbes Việt Nam).
Trong cơn bão Covid, An Phước vẫn trụ vững nhờ một nền tảng công nghệ vững vàng, hệ thống quản trị tốt, tổ chức chặt chẽ, và tài ứng biến linh hoạt của vị thuyền trưởng, mọi rủi ro được kiểm soát, có kế hoạch cắt bỏ ngay những khâu không cần thiết. Doanh thu 2020 theo ông Chiến cho biết chỉ sụt giảm khoảng 20%. Đó thực sự là một kỳ tích, trong bức tranh màu xám tối của ngành dệt may Việt Nam.
Hỏi ông Chiến điều gì đã giúp An Phước tạo nên kỳ tích trong suốt 28 năm qua, với con số tăng trưởng luôn cao hơn năm trước trên 10%? Ông Chiến bày tỏ: “Nhờ mối lương duyên tốt đẹp với ngài Pierre Cardin từ 1997 đến giờ”.
Ông Chiến bồi hồi nhớ lại: “An Phước là một trong số ít công ty may tư nhân ra đời ngay sau thời mở cửa. Thời bao cấp tôi làm nhà nước, bà xã làm Sở Ngoại thương TP.HCM. Tới 1991 có luật công ty ra đời, tôi nhảy ra ngoài thành lập Công ty may An Phước ngay. Suy nghĩ của tôi lúc đó là phải đầu tư sản xuất bài bản chứ không buôn bán nữa, để ổn định, phát triển bền vững hơn, giúp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho anh em nhân viên.
Anh Bùi Xuân Khu, người thầy của ngành may, sau này là Thứ trưởng Bộ Công thương, khi nghe tôi nói mở công ty may riêng đã tỏ ra ngần ngại: “Là người quen buôn bán kinh doanh, cậu liệu có chịu cực được với đường kim mũi chỉ hay không?”. Tôi tự tin: “ Chịu cực là nghề của em mà!”. Thế là anh lấy tờ giấy viết cho anh Đình Trường, lúc bấy giờ là cửa hàng trưởng của Việt Tiến Tung Shing, cho vợ chồng tôi mua 40 máy may tại Công ty Việt Tiến Tung Shing, tuyển khoảng 60 công nhân, và nhận gia công hàng cho Legamex, Generalimex.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, An Phước đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nhà máy vì đối tác ngưng đặt hàng. Chiến lược khai phá thị trường nội địa nhanh chóng được hình thành và triển khai.
Thế mạnh của An Phước là áo sơ mi, quần tây, vest nhưng phân khúc thị trường này đã có nhiều “ông lớn”. Muốn tồn tại trong điều kiện như vậy, An Phước phải tạo sự khác biệt bằng sản phẩm thời trang cao cấp. Nhưng cứ làm gia công sẽ không phát triển được, phải chuẩn bị thương hiệu cho riêng mình. Tôi đã xây dựng kế hoạch thương hiệu riêng bắt đầu từ 1993, đặt mục tiêu sau 5 năm sẽ ra đời.
Thời ấy kiến thức về thương hiệu còn mù mờ lắm. Tôi có thói quen đọc đủ các loại báo hàng ngày từ 5 giờ sáng, sau đó mới đi làm. Qua báo chí, biết tin Pierre Cardin và Việt Tiến đã chấm dứt mối quan hệ hợp tác, tôi hiểu đây chính là cơ hội của mình.
Lần mò tìm hiểu, tôi tìm ra ông Nguyễn Du, là người đại diện của Pierre Cardin tại Việt Nam, một Việt kiều Pháp. Tôi diện kiến ông Nguyễn Du ngay, tự giới thiệu về mình: “Tôi là chủ một công ty may tư nhân có 1.200 công nhân, từng làm áo Jacket cho Nissho Iwai Nhật, có nhà máy sản xuất giày thể thao… Anh giúp tôi nói chuyện với ngài Pierre Cardin”.
Anh Du tròn mắt nhìn tôi: “Trời! Pierre làm với Việt Tiến là công ty nhà nước lớn, may Nhà Bè, Legamex cũng đang đăng ký, làm sao có thể làm với anh?”. Tôi vẫn không nhụt chí, cứ bám sát anh, nghe anh nói chuyện về thời trang, về thị trường Việt Nam tương lai mấy triệu áo sơmi. Dần dần qua anh Du, tôi hiểu được ý ngài Pierre muốn người được chuyển giao License (nhượng quyền), đó là ông chủ thật, biết nghề, có công ty, nhưng rất khó khăn khi chọn lựa đối tác.
Sau 2 tuần, tôi gặp lại ông Du, đặt thẳng vấn đề: “Tôi chính là người ông Pierre cần, vì là chủ thật, có công ty tư nhân, biết nghề, nên có thể chủ động quyết định mọi thứ. Ông Du gật đầu, chiều tôi, đánh Telex qua ông Pierre. Đó là vào tháng 4/1997.
Chừng 2 tháng sau, ông Du nhận được Telex của Pierre: “Tôi muốn hẹn ông Chiến ngày 20/11 tại Paris”. Ông Du mừng quá, hớt hải báo tin cho tôi: “Ông Pierre đồng ý tiếp anh tại Paris rồi”.
Ông Pierre Cardin gặp gia đình ông Trần Chiến tháng 10/1999
Để chuẩn bị cho chuyến đi Paris này lúc ấy là cả một thách thức lớn đối với tôi. Không chỉ dừng lại ở mua licence, tôi muốn từng bước chinh phục Pierre để trở thành đối tác độc quyền, và muốn xây dựng thương hiệu An Phước tồn tại song song với thương hiệu Pierre Cardin, đứng vai người khổng lồ để rút ngắn thời gian và khoảng cách với ngành công nghiệp thời trang cao cấp thế giới.
Tôi nói với ông Du mình đã giới thiệu với Pierre là chủ, có nghề, nhưng thương hiệu của tôi ở đâu? Tôi lại nhờ ông Du giới thiệu chính đội ngũ thiết kế của Pierre Cardin làm logo nhãn hiệu cho An Phước để ông ấy tin mình hơn. Ông Du nói khó lắm, thiết kế logo thương hiệu thì nhiều tiền lắm! May mắn con ông Du là 1 trong 12 nhà thiết kế của ông Pierre, nên mọi việc thuận lợi.
Thế là lên đường. Lúc ấy kinh tế còn khó khăn, tôi thì đi vé hạng thường nhưng mua vé cho ông Du hạng thương gia. Đến Paris trước ba ngày, ông Du dắt tôi đến bộ phận thiết kế, họ đưa ra 3 mẫu thương hiệu logo, tôi chọn một, mừng quá về ngủ không được.
Buổi sáng hôm sau, đúng 10 giờ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông vua thời trang bằng xương bằng thịt. Ngài cao lớn, phong độ, nhưng thật ấm áp và gần gũi. Câu đầu tiên ngài hỏi tôi “Thương hiệu ông ở đâu?”, tôi đưa logo nhãn hiệu của mình ra, thấy nhãn hiệu An Phước, ông gật đầu, tỏ ra rất nể trọng.
Để có tiền mua License kỳ hạn ba năm cho các quần tây, áo sơ mi và vest Pierre Cardin, chúng tôi phải vay ngân hàng. Nhưng đứng trước “lựa chọn sinh tử”, nếu không mua bản quyền từ thương hiệu này để làm thì công ty sẽ đóng cửa, công nhân sẽ thất nghiệp. May mắn là lựa chọn của chúng tôi đã đúng.
Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở hợp đồng Licence một thương hiệu chỉ bán một cửa hàng, không có cái thứ hai, còn mình muốn hai thương hiệu Pierre Cardin và An Phước phải bán song song để tạo đẳng cấp và sự tin tưởng cho khách hàng, nên đã thuyết phục ông Du đại diện tại Việt Nam đồng ý. Tôi đã cho ra đời một cửa hàng hai thương hiệu: Pierre Cardin và An Phước. Đây là những bước đi đầu tiên cho sự thành công của An Phước.
Ngày ra mắt cửa hàng đầu tiên là 15/12/1997. Một năm sau, ông Pierre Cardin qua đây kiểm tra cửa hàng, sắp xếp trưng bày của hàng cùng với mình. Đích thân ông kéo tủ, chỉnh quần áo, giúp mình cách móc áo, trưng bày thế nào cho hấp dẫn.
Năm 1999, tôi mời ông qua để trình diễn thời trang, một sự kiện lớn nhất của làng thời trang Việt Nam lúc ấy ở Nhà hát Hoà Bình có 2.200 khán giả tham dự, để gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam. Gần 80 người mẫu trình diễn bộ sưu tập của ông, mang lại không khí hoàn toàn mới mẻ với Việt Nam, tạo ấn tượng đáng nhớ cho người hâm mộ.
Sau này, Pierre Cardin còn qua Việt Nam một lần nữa vào năm 2010 làm từ thiện mổ tim cho các cháu, tổng cộng là 3 lần. Ông vui lắm khi thấy các cửa hàng của mình ngày càng phát triển: “Việt Nam cũng giống Trung Quốc, một nước xã hội chủ nghĩa mới mở cửa, mà mở được cửa hàng thời trang lớn như thế này, lại do tư nhân làm chủ, làm ăn ổn định, tôi tin Việt Nam sẽ phồn vinh và thịnh vượng lắm”, ông nói.
Đến nay, An Phước đã có 162 cửa hàng khắp cả nước, từ Quảng Ninh tới Cà Mau. Không chỉ ở Việt Nam mà An Phước còn là đối tác chiến lược với Pierre Cardin trong việc độc quyền phân phối sản phẩm phụ kiện thời trang nam thương hiệu Pierre Cardin tại thị trường Lào, Campuchia hơn 23 năm qua.
M&A liên tục để trở thành người dẫn đầu ngành thời tranh cao cấp
Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu là trung và cao cấp, An Phước luôn tập trung đầu tư cho chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng để phát triển thương hiệu, và coi đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Với mảng sản xuất cho thương hiệu lớn như Pierre Cardin, An Phước buộc phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình toàn cầu như không được bán với giá thấp hơn 35 USD tại thời điểm 1997 hay hàng năm hãng này đều cử kỹ thuật sang hướng dẫn, gửi mẫu mã sản xuất, đều đặn 6 tháng một lần qua Pháp họp với chính nhà sáng lập Pierre Cardin.
Với thương hiệu An Phước, công ty cũng có những yêu cầu chặt chẽ từ khâu nhập nguyên phụ liệu từ Nhật Bản nhằm đảm bảo chất lượng hay không bán hàng qua đại lý mà qua hệ thống cửa hàng chính thức An Phước.
Ông Pierre Cardin khảo sát cửa hàng Pierre Cardin – An Phước tại khách sạn New World năm 1999.
Ngoài bảo đảm chất lượng đạt chuẩn quốc tế, An Phước còn được ghi dấu là công ty tiên phong trong chiến lược M&A từ rất sớm để không ngừng lớn mạnh, với việc tăng vốn, mở rộng hệ thống phân phối, mua lại nhà máy…để trở thành cánh chim đầu đàn của ngành thời trang cao cấp.
Một số thương vụ có thể kể đến như mua lại Công ty may Tân Bình Minh năm 2008, Công ty Tân Việt, nhà máy Tosgamex của Tập đoàn Tomiya và Sumitomo năm 2010, mua lại Công ty thương mại – kinh doanh thời trang Gebr Weiss tại Aschsffenburg Đức vốn sở hữu nhãn hiệu Gebr.Weis veston và jacket cao cấp được ưa chuộng tại châu Âu.
Năm 2011, An Phước tăng vốn lên 450 tỷ đồng và hoàn tất mua lại nhà máy FLD Việt Nam của SPATZ- Pháp tại Nha Trang chuyên sản xuất đồ lót nữ thương hiệu Anamai (Pháp) và Bonjour (Việt Nam) xuất sang Pháp, Canada, Nhật. Hiện tại có 80 cửa hàng trên cả nước.
Năm 2018, An Phước mua lại công ty thương mại ITO Clothing tại 5498-3 Shimouchi, Seki City, Gifu, Osaka, Nhật Bản, chuyên sản xuất suit, jacket, quần tây… Cũng vào năm 2018 An Phước mua lại nhà máy Aomori tại 5-7 Koyashiki Zoe, Shimomenaisawa, Kuroishi, Aomori, Nhật Bản.
Chính chiến lược M&A liên tục này đã giúp An Phước đặt chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ rất sớm, từ đó làm bàn đạp lấy khách hàng về Việt Nam, sản xuất và xuất ngược ra thế giới.
Mặc dù là công ty gia đình nhưng trong hệ thống An Phước không có bà con thân tộc mà chỉ gồm bốn thành viên gia đình chủ chốt gồm ông Trần Chiến giữ vị trí Chủ tịch HĐTV, bà Nguyễn Thị Điền vợ ông đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc điều hành, con trai Trần Hoàng Tịnh làm phó tổng giám đốc sản xuất, con trai Trần Minh Khoa làm phó tổng giám đốc kinh doanh. Tuân thủ tuyệt đối và có trật tự trong gia đình, ông Chiến luôn là thuyền trưởng, đưa ra mọi quyết định.
“Chúng tôi có hệ thống quản trị minh bạch, xuyên suốt, được tự động hoá hoàn toàn nên mỗi ngày đến 5 giờ chiều, tôi ngồi nhà cũng có thể biết toàn hệ thống từ Nam chí Bắc bán được bao nhiêu sản phẩm, sản phẩm nào bán chạy nhất, doanh thu mỗi ngày bao nhiêu. Tôi cũng uỷ quyền cửa hàng trưởng ký hết mọi hoá đơn, nhờ tiêu chuẩn hoá, minh bạch hết, nên không thể trốn thuế, lách thuế. Làm ăn không minh bạch làm sao nói nhân viên nghe được. Giờ thì hai vợ chồng tôi có thể đi chơi mà mọi thứ vẫn hoạt động bình thường.
Nhiều công ty gia đình phát triển đến một độ lớn nào đó thường bị xáo trộn, đổ vỡ, vì mâu thuẫn giữa cách điều hành khác nhau. Riêng An Phước luôn giữ sự ổn định, tôi là chủ tịch, quyết định tất cả, bà xã là tổng giám đốc điều hành, con trai đầu Trần Hoàng Tịnh phụ trách sản xuất, con trai thứ hai Trần Minh Khoa phụ trách kinh doanh… tất cả do mình chỉ đạo, chuyển giao cho các con cũng nhiều, hai con giờ đảm đương khoảng 80% kinh doanh, sản xuất rồi.
Vợ tôi giúp tôi rất nhiều mảng đối ngoại, còn mình trực tiếp lo sản xuất điều hành, bộ máy tinh gọn, ít người. Khâu tài chính có người thân tín, cô ấy làm từ khi còn là sinh viên mới ra trường. Tôi tin tưởng giao cho cô ấy quản lý tài chính. Nhân viên ở đây đa số là thâm niên lâu năm. Cô phụ trách văn phòng làm từ khi công ty mới ra đời, khâu tổ chức, kỹ thuật, kế hoạch sản xuất đến tài xế cũng vậy… thành ra đây là một đại gia đình, không lo sợ gì hết. Nhất là khâu tài chính phức tạp, nếu không có người tin cậy thì thật khó.
Phong cách quản trị của tôi giống người Nhật, tôi gần gũi với mọi người, từ nhân viên may, cấp quản lý, các em tuyệt đối nghe lời, dù mình không nói nặng bao giờ, cũng không la hét công nhân, làm vậy anh em mới gắn bó với mình, ổn định từ dưới lên, xây cái móng tốt thì khúc trên dễ dàng hơn”, ông Chiến chia sẻ.
Vượt qua thách thức của quản trị gia đình, thách thức của làn sóng tự động hoá, An Phước đang tự tin bước vào kỷ nguyên mới 4.0 nhờ cải tiến, cải tiến, liên tục cải tiến.
“Từ quản trị gia đình, tôi đang cải tiến cho phù hợp phát triển chung, khâu nào tự động hoá được thì kiên quyết thay thế, điều chỉnh bớt cho gọn lại quy trình, nên bước vào thời 4.0 cũng không thấy gì khó khăn.
Cải tiến liên tục, tái cấu trúc liên tục, M&A liên tục. Về nguồn lực lao động, hàng năm chỉ có một số nhân viên nghỉ muốn thay đổi nghề thôi. Thường dịp Tết, công nhân ngành dệt may nghỉ nhiều lắm, riêng tôi giữ được 92%, rất ổn định từ xưa tới giờ. Công đoàn ở đây cũng do công nhân tự tổ chức, quỹ công đoàn cơ sở cỡ 1.000 lao động từ 400-500 triệu đồng, mỗi nhà máy không dưới 80% là đoàn viên công đoàn. Nhiều chính sách kèm theo như lương, thưởng, chính sách nghỉ mát đều bảo đảm.
Về chiến lược M&A, chủ trương của tôi là giữ lại nguồn lao động, chỉ thay đổi trong cách chọn người, và tổ chức lại quy trình cho chặt chẽ, để làm hàng xuất đi các nước, nên dù lượng lao động nhìn chung có tăng đột biến, nhưng vẫn bảo đảm trong sự kiểm soát. Tôi còn có hai công ty bên Đức và Nhật để lấy đơn hàng về Việt Nam sản xuất rồi xuất khẩu trực tiếp.
Khi mua lại nhà máy đồ lót FLD tại Nha Trang của tập đoàn SPASTZ (Pháp), lúc ấy tập đoàn phá sản, cấp lãnh đạo gồm 5 người bỏ chạy hết. Tôi thấy vậy, bảo trợ để giữ nguyên hơn 200 công nhân, tuân thủ đấu giá, rồi sau đó phân công, cân đối lại, giao cho anh em quản lý. Từ 280 lao động giờ FLD đã có tới 1.300 lao động.
Tôi còn mua Công ty Tomiiya Sumit Garment Export của Nhật ở Đồng Nai khi họ phá sản, 300 lao động do hai ông người Nhật tuyển tôi thuê tới giờ, hiện đã là 1.100 công nhân, bộ máy cũ giữ nguyên, chuyên làm hàng sơmi đi Nhật, xuất khẩu 100%.
Cửa hàng 123 Nguyễn Văn Trỗi Q. Phú Nhuận, một cửa hàng tiêu biểu trong chuỗi hợp tác kinh doanh giữa Pierre Cardin và An Phước.
Trước thách thức của Covid, rất khó nhận định về tương lai, vì nó dính tới toàn cầu. Tôi có công ty bên Đức, Nhật giờ cũng bị đóng cửa, đơn hàng giảm 50%. Chưa biết chừng nào mới thông thương quốc tế, vì vacxin biến thể, thiệt hại ngành may rất lớn, không tính nổi.
Nhưng may mắn là An Phước vẫn luôn song hành phát triển thị trường quốc tế và nội địa, nên khi quốc tế gặp khó thì nội địa giúp cân bằng lại. Cấu trúc lại hệ thống, tôi thấy kinh doanh 2020 cũng khả quan, giảm 20% thôi. Giữ vững thị trường nội địa, từ đây tới Tết người ta vẫn mua sắm bình thường, vì lúc nào An Phước cũng có mẫu mới, cung cách phục vụ tốt, chất liệu không đụng hàng ai”, ông Chiến cho biết.
“Pierre Cardin – Người thầy lớn trong kinh doanh và cuộc sống của tôi”
Là một doanh nhân trưởng thành cùng với sự phát triển của ngành thời trang trong nước, ông Chiến đã hội nhập từ rất sớm nhờ học hỏi liên tục từ những mô hình kinh doanh thời trang tinh hoa của thế giới, nhất là từ người thầy đáng kính – ngài Pierre Cardin.
Bước vào phòng làm việc của ông Chiến, thấy tràn ngập hình ông với Pierre Cardin, mỗi bức hình gắn với từng bước chuyển mình của An Phước, gắn với tình thầy trò keo sơn bất chấp khoảng cách địa lý. Kể về những bài học kinh doanh thực tiễn vô cùng đáng quý, ông Chiến trở nên thâm trầm: “Là thương hiệu quản lý hệ thống từ Nam ra Bắc, ngoài tố chất kinh doanh, tôi phải học hỏi rất nhiều mới tiếp thu được kiến thức về thị trường, định hướng cho ra dòng sản phẩm. Nghề này đâu phải may cái áo đẹp là xong, phải có cửa hàng trưng bày, hậu mãi, phục vụ…
Hiện chưa có công ty tư nhân nào tại Việt Nam hội đủ mọi sản phẩm về thời trang cao cấp như An Phước, từ giày dép, quần áo, túi xách, đồ lót, phụ kiện nam… mang thương hiệu An Phước đã được các doanh nghiệp chọn là món quà tặng giá trị, nâng tầm thương hiệu quốc gia mỗi dịp lễ, Tết.
Những ngày lễ đặc biệt của quốc gia và TP.HCM, sản phẩm An Phước cũng là lựa chọn hàng đầu để biếu tặng. Phiếu quà tặng phát hành trên toàn quốc, dành cho mọi đối tượng, có thể lấy ở cửa hàng nào cũng được.
Tôi rất vui là CLB Thương Hiệu Việt (VBC) cũng chủ trương mua hàng của nhau làm quà tặng, trong đó có sản phẩm An Phước. Hội nghị Đại biểu thi đua yêu nước toàn quốc tổ chức năm 2015 và năm 2020 tại Hà Nội, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã mua phiếu quà tặng An Phước để tặng cho đại biểu, đây cũng là niềm vinh dự tự hào của Công ty An Phước.
Để có ngày hôm nay, tôi không bao giờ quên ơn ngài Pierre Cardin, người thầy lớn của tôi trong cả kinh doanh và cuộc sống, một người làm việc, cống hiến không mệt mỏi cho một xã hội tốt đẹp hơn. Lần đầu tiên gặp ông, tôi không khỏi choáng ngợp bởi báo chí gọi ông là ông vua thời trang. Được ông chấp nhận, tôi không diễn tả nổi cảm xúc.
Paris lúc đó hoa lệ lắm, ông mời tôi ăn tối ở nhà hàng Maxim trên dòng sông Seine, và kể về cuộc đời mình. Là người Pháp gốc Ý, vốn học nghề kế toán, nhưng không kiếm được việc làm ở quê. Cuộc sống khó khăn, ông bỏ lên Paris với hy vọng đổi đời. Nhờ một sự tình cờ, Pierre Cardin lạc vào thế giới may mặc và thời trang khi ông làm phụ việc tại một tiệm may gia đình – nhà may Vichy, nơi ông bắt đầu cắt may những bộ quần áo dành cho phụ nữ.
Ông chịu khó học hỏi và đã trở thành một thợ cắt và may lành nghề, có thể nhận các đơn hàng đặc biệt của khách. Vài năm sau, Pierre Cardin xin vào làm việc cho xưởng may của nhà thời trang Christian Dior đã khá nổi danh lúc bấy giờ. Chỉ đến lúc này, ông mới bắt đầu được thâm nhập vào thế giới thời trang thực sự.
Môi trường làm việc tại Christian Dior đã giúp cho Pierre Cardin phát triển rất nhanh trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Nhiều ý tưởng mới lạ trong Pierre Cardin đã được hình thành và nuôi dưỡng trong thời kỳ này. Tiên phong trong trào lưu cách tân, ông còn là người góp phần rất lớn để phát triển công nghiệp thời trang cao cấp trên toàn thế giới. Ông vào Trung Quốc từ rất sớm, và được chính quyền Trung Quốc rất quý trọng.
Ông luôn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt. Bạn bè ông từng là lính Pháp thời Đông Dương đã kể cho ông nghe rất nhiều về Việt Nam, một thuộc địa xinh đẹp của Pháp, người dân hiếu khách, chuộng cái đẹp, gu thẩm mỹ tinh tế… nên ông lúc nào cũng nung nấu ý tưởng sang Việt Nam kinh doanh.
Chính vì thế ông đã cử ông Nguyễn Du về Việt Nam nghiên cứu thị trường trước 4-5 năm, và làm với Việt Tiến, chẳng may sự hợp tác đã không thành công như kế hoạch nên mới chuyển qua tôi.
Làm việc với ông quả là thách thức vô cùng lớn. Đúng là một ông vua! May mắn tôi là một thành viên trong hệ thống Licence toàn cầu của Pierre Cardin, nên khi mình cần gì họ sẵn sàng giúp đỡ, từ nghệ thuật bán hàng, thiết kế, kinh doanh của ngành này.
Tôi học được nhiều kinh nghiệm quý chỉ trong một thời gian ngắn, được đi tham quan hết các nước mà thương hiệu Pierre Cardin có mặt. Nhờ quyết tâm học hỏi, nên tôi thu thập kiến thức bổ ích nhanh, mới đủ trình độ quản lý và phát triển ngành công nghiệp đặc thù này.
Làm thời trang trước tiên phải hiểu xu thế phát triển ngành thời trang thế giới, khu vực, trong đó có Việt Nam. Từ văn hoá ăn, mặc, sử dụng sản phẩm, mua sắm, kiểu dáng… rút kinh nghiệm từ thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Pháp, để áp dụng thị trường mình, phát triển, nhờ đó ổn định, bền vững.
Cuộc gặp gỡ cuối cùng của ông Trần Chiến và ông Pierre Cardin tại Paris tháng 12/2019, một năm sau đó nhà thiết kế lừng danh đã qua đời ngày 29/12/2020, hưởng thọ 98 tuổi.
Văn hoá Việt là sự tổng hoà phong phú và khác biệt giữa văn hoá bản địa của một đất nước 4.000 năm lịch sử, hoà quyện với tinh hoá văn hoá Pháp, Mỹ, để từ đó tạo ra dòng sản phẩm cao cấp.
Để làm hàng cao cấp, trước tiên đòi hỏi thế mạnh về chất liệu, phụ liệu. Sợi dệt, kỹ thuật hoàn tất mới có chất liệu vải tốt, giúp cho thoáng mát, không nhăn, kiểu dáng không đụng hàng. Nhắm đến phân khúc khách hàng trung và cao cấp có sự chọn lựa thông minh và văn hoá đa dạng, có đặc thù thích ăn mặc sang, có thể nhịn tiêu xài, nhưng ra đường phải có chiếc sơ mi đàng hoàng phù hợp.
Tiêu chuẩn về chất liệu tôi đưa ra chứ không phải nhà sản xuất đưa ra, mới phù hợp thị trường mình. Chỉ may cũng đặt từ Anh, loại chỉ mảnh nhất, 1 phân 7 mũi. Còn nút phải đặt từ Ý, dây kéo YKK. Vải mỗi thiết kế đặt một mẫu khác, thử thấy tốt mới sản xuất hàng loạt theo ý của tôi. Vải đặt ở Ý, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…. về đây thiết kế sản phẩm vừa vặn người Việt Nam, nhờ thế nên tăng trưởng đều hàng năm.
Thứ hai là nghiên cứu để ra được size chuẩn cho người Việt, đây là thách thức lớn nhất với ngành thời trang nội địa, cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, có đối chiếu, so sánh, điều chỉnh liên tục từng ly một cách khoa học. Là nhà sản xuất công nghiệp chuyên nghiệp, các mẫu áo quần đưa ra cho khách hàng mặc phải vừa vặn, không chật, không rộng.
Phải có quá trình, 6 tháng lại kiểm tra 1 lần xem tay, chiều dài áo đã vừa chưa. Bộ phận quản lý thông số là bộ phận tin cậy lắm, tôi có rập cho từng size luôn, chứ không gộp 2 size như nhiều công ty khác, An Phước cũng tiên phong ngành may về canh sọc vải và trưng bày sản phẩm theo hệ thống.
May mắn mình có ông thầy về thời trang. Mỗi mùa ông đều gửi cho tôi các mẫu vải màu chủ đạo của mùa, và phác thảo kiểu dáng qua bản vẽ trên giấy… Còn thực hiện do mình hoàn toàn chủ động, từ ý tưởng ấy tự phát triển, nhờ thế sức sáng tạo được kích hoạt. Mình tự tin lắm nhờ có ông thầy như thế, cái đó đâu có trường nào dạy.
Một điều quan trọng nữa tôi học từ ông là muốn xây dựng thương hiệu có giá trị vượt trội, thiết kế và xây dựng thương hiệu, phát triển cửa hàng phải song song mới xứng tầm. Trên thế giới thương hiệu muốn mạnh phải đủ chủng loại hàng hóa.
Riêng Pierre Cardin An Phước gần 4.409 nhân viên làm việc liên tục, với 9 nhà máy rải rác khắp các tỉnh, nội tiền lương và tiền thưởng cũng rất lớn. Thời trang đàn ông bây giờ chúng tôi có đủ hết giống Pierre Cardin, từ sơ mi, áo vét, quần vét, giày, vớ, cà vạt… đều chuẩn mực quốc tế. Đó là xây dựng thương hiệu.
Thị trường khó thiệt khó, mà dễ cũng dễ, nếu được lòng tin cậy khách hàng trung lưu trở lên thì thấy đẹp là họ mua thôi… dù kinh tế khó khăn thì dòng sản phẩm cao cấp vẫn có chỗ đứng, Covid cửa hàng bán vẫn tốt”, ông Chiến chia sẻ.
Sự ra đi của người thầy 98 tuổi Pierre Cardin dường như để lại trong ông Chiến một khoảng trống vô bờ và nỗi nhớ thương không nguôi.
Ông Chiến cho tôi xem từng bức hình, kể cho tôi nghe từng câu chuyện mà ông nhớ nằm lòng về người thầy mình: “Pierre con Việt Nam”, ông hay kêu tôi như vậy. Lần nào gặp lại ông cũng đều để lại trong tôi ấn tượng khó phai mờ, khiến mình hay nghĩ về ông. Được ông dìu dắt, hướng dẫn mình, dẫn đến các nước giới thiệu cách làm ăn trong lĩnh vực này, tôi mới hiểu kinh doanh thời trang là cả một nghệ thuật. Những bài học từ ông rất thực tế, không lý thuyết.
Mỗi lần qua Pháp đi ăn cơm với ông, ông luôn hỏi thăm về đất nước mình, hỏi thăm tôi làm ăn thế nào. Tình bạn ấy suốt 23 năm chưa bao giờ có sứt mẻ gì, lúc nào cũng vui vẻ. Ông không bao giờ hỏi tôi về con số, chỉ cần biết chất lượng hàng hoá tốt, làm ăn tốt thôi.
Dù bận rộn thế nào khi biết tôi qua Pháp, ông vẫn dành thời gian tiếp chuyện. Có lần gặp ông ngay tại xưởng thiết kế bộn bề, ngay cả nhân viên ông cũng ngạc nhiên lắm khi thấy ông tiếp tôi không hề khách sáo.
Năm 2017 khi tôi đề nghị ông chuyển giao License vĩnh viễn hết cho An Phước 20 dòng sản phẩm, ông đồng ý liền.Tôi hãnh diện là một người Việt Nam làm ăn với ông 23 năm không có vấn đề gì xảy ra.
Đứng trên vai người khồng lồ, An Phước đã cho thế giới thấy một tình bạn, một mối quan hệ làm ăn bền chặt được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự thuỷ chung, trước sau như một. Ông đã được huy hiệu TP.HCM tặng vì mối quan hệ làm ăn lâu bền này.
Không chỉ là nhà thiết kế tài ba, nhà kinh doanh xuất chúng, ông còn là một nhân cách lớn đáng ngưỡng mộ. Làm việc tới lúc chết, cần cù tới hơi thở cuối cùng, văn phòng ông lúc nào cũng đầy mẫu. Ông đối xử con người rất nhân văn, ông khuyên tôi phải hãnh diện là chủ lao động, nên đối xử với người ta tốt mới có những người lao động gắn bó lâu dài với mình.
Là nhà thiết kế nhưng ông ăn mặc lúc nào cũng đơn giản, chỉ đồ vets với sơ mi, còn tôi cũng mặc đồ do chính mình sản xuất để đi tiếp khách…Từ ngày đầu gặp mặt tôi đứng tới tai ông, giờ ông đứng tới tai tôi, nhìn ông già đi, tôi thấy thương ông vô cùng. Một con người sáng tạo không ngừng. Chính ông đã dạy tôi cách thiết lập một mối quan hệ kinh doanh lâu bền gần nửa đời người, nhờ ông biết chấp nhận, tin cậy, hỗ trợ đối tác, điều đó là khó nhất”.
Xem thêm tại: theleader.vn (bài dùng nghiên cứu học tập)