Một cái nhìn về nhân bản trong Mục vụ truyền thông… P1

Nhiều chủ đề, nhiều đề tài…

Đang viết một loạt bài nghiên cứu về nhân bản (với nhân trí, nhân chí) để góp phần thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, một ý tưởng liên kết chủ đề này với các lãnh vực khác đã nảy sinh trong dòng chảy suy tư về công tác biên soạn và thực nghiệm. Thế là các bài viết, các bài nói sau đây đã lần lượt ra đời. Nào là: (1) Nhân trí, nhân chí trong đời sống nhân bản…; (2) Một trong những góc nhìn khả dĩ (của nhân bản) về chỉ số thông minh IQ (intelligence quotient), chỉ số cảm xúc EQ (emotional quotient)[1] trong đời sống mục vụ; rồi (3) Một cái nhìn về “nhân giáo dưỡng” (human education) trong nhân trí, nhân chí, nhân bản…; (4) Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence: AI) được chế tác từ nhân trí, nhân chí…; (5) “Nhân giáo dưỡng”, một chủ đề thiết thực, sôi nổi…” và còn rất nhiều những bài viết khác nữa. Nhiều lắm! Phong phú lắm!

Thế rồi, khi đang say sưa biên soạn và thực nghiệm hóa những giá trị của các đề tài này, tác giả các bài viết, bài nói kể trên lại được tiếp cận với một thực tế khác (và mới), một thực tiễn mục vụ “khác mà không thực sự khác”, “mới mà không thực sự mới”, cũ mà thực ra không hề cũ chút nào… vì cái gọi là cũ này luôn vận hành và phát triển không ngừng. Đó chính là chủ đề truyền thông đại chúng (mass media) với các đề tài về truyền thông, mục vụ truyền thông, thần học về truyền thông, truyền thông Công giáo.[2]

Thật vậy, “Nhiều lắm, phong phú lắm…” vẫn không thay thế cho tính tinh hoa, tinh túy, tinh chất… của chủ đề, với tính cô đọng và chất mục vụ cần thiết của các đề tài. Vì thế bài nghiên cứu về nhân bản – “vẫn thường được hiểu là những vấn đề căn bản cần có, phải có… để con người là người, là những vấn đề nền tảng để con người làm người trong đời…”[3] – sẽ không miễn trừ cho những gì là thực nghiệm, thực tế, thực dụng (nghĩa là khả dụng và hữu ích trong mục vụ) qua tên gọi “Một cái nhìn về nhân bản trong mục vụ truyền thông… để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng… 1”.

Một công trình…

Vâng một công trình! Một công trình, như trên đã nói, muốn vươn tầm mắt thật xa và đào thật sâu “Một cái nhìn về nhân bản trong mục vụ truyền thông… để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng” đã tình cờ được gặp một công trình nghiên cứu khác về truyền thông Công giáo để tạo nên những tương tác cần thiết… là thế đấy!

Thì ra, “Chết như mọi người… Người xuống tận âm cõi / Ơn Trời soi rọi… để loan báo Tin Mừng / Niềm vui tưng bừng… niềm vui ơn cứu độ / Cất ách đau khổ giải tư thế giam cầm”.[4] Thật vậy, trong chính công trình nghiên cứu có đôi chút khác biệt này về truyền thông Công giáo, một sinh viên nọ đã quan sát, nghiên cứu… với những suy tư rất căn bản nhưng cũng thật sâu sắc và thiết thực, đã nêu ra nhiều câu hỏi rất ý nghĩa.[5] Và vì là thầy giáo “có đôi chút kinh nghiệm về mục vụ truyền thông”, chúng tôi nghĩ, dù khả năng còn nhiều hạn chế, bản thân cũng nên đưa ra những câu trả lời… sao cho đầy đủ nhất có thể. Bởi lẽ, trong thời đại “bùng nổ thông tin” như hiện nay, chúng tôi vẫn luôn cho rằng, gọi là “có đôi chút kinh nghiệm về mục vụ truyền thông” thì chẳng thấm vào đâu, hoàn toàn là chưa đủ, là không đủ. Với truyền thông, ai nấy đều phải thực sự cố gắng! Thế thôi.

Vâng, bản thân mỗi người phải hết sức cố gắng vì biên độ của truyền thông đại chúng, theo thiển ý của chúng tôi… như vô biên, và tốc độ của truyền thông đại chúng… đối với chúng tôi, là vô địch. Thật vậy, chỉ với cái nhìn tổng quát, nhiều người đã nhận ra truyền thông đại chúng có sức mạnh đặc biệt lớn, mạnh mẽ ảnh hưởng lên đời sống của con người… đến độ có người đã rất táo bạo khi sắp xếp thứ tự các quyền lực trong xã hội (gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp, truyền thông). Như thế, người ta đã không ngần ngại gọi truyền thông là “đệ tứ quyền”.[6] Vâng, vì là “phương tiện thông tin tuyên truyền mạnh mẽ và rộng rãi”, thuật ngữ “quyền lực thứ tư” được sử dụng để chỉ về truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, truyền giảng công cộng, v.v.

Thuộc về mục vụ truyền thông…

Công trình “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng” như thế cũng thuộc về mục vụ truyền thông! Chẳng vậy mà thật tự nhiên, sứ vụ loan báo Tin Mừng luôn cần đến truyền thông như một phương tiện đặc biệt hữu ích. Vâng, các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò thiết yếu trong sứ mạng của Giáo hội. Khi khéo léo sử dụng các phương tiện này, sứ vụ loan báo Tin Mừng sẽ được hỗ trợ rất tích cực giúp cải thiện việc truyền đạt và tiếp thu của những người liên hệ trong hành trình sứ vụ. Do đó, truyền thông đại chúng nên là (phải là) đề tài cần được quan tâm nhiều hơn… để công cuộc loan báo Tin Mừng thực sự được thông truyền cách hữu hiệu nhất có thể trong các cộng đồng, trong xã hội. Con người nhân bản phải thế! Để phục vụ con người!

Giáo hội thực sự chưa từng bao giờ coi nhẹ các phương tiện truyền thông. Từ các văn kiện thời Công đồng Va-ti-ca-nô II như Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica) (1963), rồi chủ đề “Năm Thánh (năm) 2010: Giáo hội tại Việt Nam Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”, rồi văn kiện Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ (2021),[7] rồi mới đây thôi, văn kiện Praedicate Evangelium (2022). Vâng, Giáo hội nói chung, Bộ Truyền thông (Dicastery for Communication) nói riêng đều luôn rất quan tâm đến truyền thông và giáo dục truyền thông. Ở mọi cấp độ của tổ chức: hoàn vũ, châu lục, quốc gia, giáo phận, giáo xứ, có rất nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều mạng lưới truyền thông Công giáo đã được thiết lập và vẫn đang hoạt động khá phổ biến.

Tất cả đều thuộc về mục vụ truyền thông! Công trình này nằm trong hệ thống hỗ trợ cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ: “Hạnh phúc đời đời con người mong ước có / Sẽ trở thành khó khi không biết Tin Mừng / Những ai đã từng ao ước đi rao giảng / Lời Chúa rõ ràng với phương tiện truyền thông / Lúc màn ảnh rộng lúc thì màn ảnh nhỏ / Lúc quyển sách to lúc tiếng hát lời ca / Lúc truyền tin xa lúc nói chuyện trực tiếp / Trùng trùng điệp điệp những cách thế thông truyền”.[8] Vâng, con người “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng” phải thế!

Để hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng

Ngoài những văn kiện vừa nói đến ở phần trên, ta cũng có thể kể thêm, dưới ánh sáng của Công đồng Va-ti-ca-nô II, thì ngay trong các hiến chế như Dei Verbum, Lumen gentium, Gaudium et spes và cả sắc lệnh Ad gentes, ý tưởng về truyền thông xã hội đã cho thấy sự cần thiết của mình, với những suy tư thần học làm nền tảng cho truyền thông. Dĩ nhiên, phương tiện không thể thay thế cho đích đến, điểm đến (mục đích không thể biện minh cho phương tiện). Phương tiện truyền thông không bao giờ có thể hoàn toàn thay thế cho chủ thể truyền thông. Trí tuệ nhân tạo (AI) chẳng hạn, dù có thông minh đến đâu cũng chỉ là sản phẩm do con người nhân bản tác tạo ra. Con người nhân bản ấy có nhân trí, nhân chí rất độc đáo, do chính Thiên Chúa trực tiếp phú bẩm cho để con người thực sự là người “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng”. Bởi lẽ: “Nhân trí nhân chí… cùng hợp thành nhân bản / Nhân linh hữu hạn… hướng đến cõi vô biên / Tất cả an nhiên… trong lẽ đời nhân đạo / Khí phách thanh cao… kiến tạo phẩm chất người”.[9]

Chẳng vậy mà, để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, các phương tiện truyền thông, trí tuệ nhân tạo có thể giúp rất nhiều cho công cuộc rao giảng, truyền giáo… nhưng không bao giờ là đúng, là đủ nếu không có gương sống của những con người quảng đại, biết ra đi loan báo Tin Mừng. Các phương tiện truyền thông, dù là trí tuệ nhân tạo cao cấp… đều rất khác với con người nhân bản, những sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng. Thật vậy, hai từ “người ta” trong câu Thánh kinh sau đây chủ yếu bao gồm ý nghĩa Thánh kinh, trong đó có khái niệm nền tảng về con người “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng”: “Làm sao người ta nghe, nếu không có ai rao giảng…”.[10] Rô-bô trí tuệ nhân tạo truyền thông hoàn toàn không thể thay thế cho chủ thể đích thực là con người nhân bản. Con người nhân bản ấy thực hiện công việc truyền thông từ bản chất người, từ chính linh hồn (nhân trí, nhân chí), từ tâm thế hết lòng yêu mến Chúa và tha nhân.  

Chẳng vậy mà người ta cũng vẫn thường nói hành trình giáo dục nhân bản (hoặc đào tạo nhân bản), trong công cuộc loan báo Tin Mừng (hoặc thông truyền đức tin) bằng các phương tiện truyền thông là hết sức cần thiết, và sẽ giúp con người vượt qua những rào cản khó khăn tất yếu của chính hành trình giáo dục, hành trình loan báo Tin Mừng. Nhưng bằng cả triết lý sống tự nhiên lẫn siêu nhiên, con người nhân bản với nhân trí “người thật”, nhân chí “người thật” mới có thể truyền thụ và thuyết phục người khác trong công cuộc loan báo Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su, Đấng là Ngôi Lời mà “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”;[11] Đấng đã dạy và đã nêu gương sống thật hoàn hảo: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.[12]

 

Gợi ý thảo luận

  1. Theo bạn, có phải Giáo hội chỉ có một quan điểm chung chung về truyền thông xã hội, truyền thông đại chúng (mass media)? Giáo hội có thực sự chủ động sử dụng truyền thông xã hội để loan báo Tin Mừng, để chia sẻ niềm tin, tạo ra một môi trường trực tuyến tích cực và giao tiếp với cộng đồng không? Như thế nào?
  2. Các Ki-tô hữu có cần hiện thực hóa cuộc đời “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng” của mình bằng đời sống phục vụ, với nhân trí, nhân chí luôn hướng về, luôn vươn đến Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối… là chính Đức Ki-tô Giê-su để có thể thiết thực góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng không? Như thế nào? Đâu là vai trò của mục vụ truyền thông?
  3. Có phải nếu khởi đi từ đạo lý làm người (nhân đạo), con người sẽ luôn thao thức, sẽ luôn khao khát, sẽ nỗ lực khám phá… để tìm ra thiên đạo đích thực?[13] Nếu vậy, thiên đạo đích thực của các Ki-tô hữu là gì? Cụ thể, thiên đạo đích thực của bạn là gì, có góp phần làm nên “nhân bản-truyền thông-Tin Mừng” không? Mục vụ truyền thông thì sao; có giúp được gì cho bạn không?
  4. Có người nói mục vụ truyền thông cần góp phần huấn luyện nhân sự biết “lắng nghe”, một kỹ năng quan trọng giúp đón nhận các mầu nhiệm trong đức tin chân chính. Bạn nghĩ sao? Có áp dụng cho người đi rao giảng Tin Mừng không? Tại sao? Như thế nào?
  5. Thế còn… bạn có thể nói gì thêm về các đề tài sau đây: (1) Hiện tình của truyền thông Công giáo; (2) Ứng dụng truyền thông vào công tác mục vụ; (3) Ảnh hưởng của truyền thông trên đời sống đạo của Ki-tô hữu; (4) Những cải thiện nào được cho là cần thiết đối với truyền thông nói chung, và nói riêng truyền thông Công giáo?

 22-10-2023, Minh Triết CD

MỘT CÁI NHÌN VỀ NHÂN BẢN

TRONG MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG…

ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG 1

Nhiều chủ đề, nhiều đề tài…

Một công trình…

Thuộc về mục vụ truyền thông…

Để hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng

Gợi ý thảo luận

22-10-2023, Minh Triết CD

[1] EQ được viết tắt từ: emotional intelligence, emotional quotient, emotional intelligence quotient.

[2] Nào là thần học truyền thông (communication theology), truyền thông mục vụ (pastoral communication). Vâng, tuy kênh YouTube “Bao la lòng Chúa xót thương” đã có một số bài viết liên quan đến những đề tài nói trên với một tên chung là “truyền thông”, nhưng một số các bài viết “Một cái nhìn về nhân bản trong mục vụ truyền thông… để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng” đang nuôi hy vọng sẽ làm đầy đủ hơn và sống động thêm những giá trị về nhân trí, nhân chí, nhân bản, nhân giáo dưỡng, v.v.

[3] BHvNB, “Nhân trí, nhân chí trong đời sống nhân bản…” trong Nhân giáo dưỡng (TP. HCM, 2023).

[4] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 1, T 20, số 29.

[5] Sau đây là một số câu hỏi hay và thiết thực: (1) Xin cha cho biết quan điểm của Giáo hội về truyền thông xã hội là như thế nào? (2) Cha nhận định như thế nào về tình hình truyền thông Công giáo Việt Nam hiện nay? Đâu là những điểm tích cực và hạn chế mà truyền thông Công giáo đang gặp phải? (3) Hiện nay cha có ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giáo xứ không? Nếu có thì ở những khía cạnh nào và mức độ ra sao? Nếu không thì tại sao? (4) Các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ của cha có ứng dụng mạng xã hội vào việc thông tin và sinh hoạt của đoàn thể không? Nếu có thì ở những khía cạnh nào và mức độ ra sao? Nếu không thì tại sao? (5) Bây giờ có rất nhiều kênh/trang tin Công giáo ra đời. Theo cha, điều này có ảnh hưởng như thế nào tới đời sống đạo của người tín hữu? (6) Theo cha, truyền thông Công giáo cần cải thiện điều gì để có thể thực hiện tốt sứ mạng rao giảng Tin Mừng của mình? (x. Trung Thu, Thực trạng tiếp nhận thông tin của cộng đồng Công giáo trên mạng xã hội tại TP.HCM, 2023).

[6] Bên cạnh quyền hành pháp, quyền lập pháp và quyền tư pháp, truyền thông được gọi là “đệ tứ quyền”. Tuy không phải là quyền lực chính thức, nhưng qua báo chítruyền thanh, truyền hình, người tham gia truyền thông đại chúng có thể gây ảnh hưởng, có thể góp phần tạo ra những đổi thay trong cộng đồng xã hội.

[7] X. Thượng Hội đồng Giám mục XVI, “Tài liệu chuẩn bị” (Preparatory Document) trong Hướng đến một Hội Thánh Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ (For a Synodal Church: Communion, Participation, and Mission) (Vatican: Văn phòng Tổng Thư ký THĐGM, 2021).

[8] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 1, T 79, số 72-3.

[9] BHvNB, Sỏi đá vẫn cần có nhau 2, T140, số 26.

[10] Rm 10,14.

[11] Ga 1,1.

[12] Mc 10,45.

[13] Hành trình giáo dục ấy phải như kiềng ba chân: gia đình, nhà trường (nhà thờ), xã hội. Thiếu một trong ba chân, hành trình sẽ không trọn vẹn; chương trình đào tạo sẽ khập khiễng, đổ vỡ.

Chúc Anh Chị ngày vui!

X