Sau thất bại của bộ phận điện thoại, ngày nay, Nokia được biết đến thông qua các bộ phận nghiên cứu, viễn thông và thiết bị mạng. Nokia Technologies, công ty con thuộc tập đoàn Nokia, thông qua việc cấp phép để sử dụng các sáng chế, công nghệ và thương hiệu của hãng, thu về được khoảng 1,4 tỷ euro (1,67 tỷ USD) doanh thu mỗi năm.
Vào những năm cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, thời điểm mà ngành sản xuất điện thoại di động vẫn còn đang ở giai đoạn đầu, Nokia đã nổi lên như một gã khổng lồ với sản phẩm nổi bật trên toàn thế giới. Điện thoại của Nokia xuất hiện ở nhiều quốc gia với số lượng người dùng khổng lồ; họ hoàn toàn áp đảo các đối thủ trong ngành và có những thời điểm người ta cho rằng các công ty khác không có cơ may nào để đuổi kịp gã Goliath tới từ Phần Lan.
Thế nhưng, chỉ gần 20 năm sau, thế hệ người dùng mới hầu như chỉ biết đến những thương hiệu như Apple, Samsung, Xiaomi, Huawei… Cái tên Nokia rơi vào quên lãng theo cái cách mà không một ai có thể ngờ tới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của họ, nhưng lý do lớn nhất chính là sự bảo thủ đến khó tin của ban lãnh đạo công ty đã làm cho cái tên Nokia gần như biến mất.
Giai đoạn hình thành
Cái tên Nokia đã xuất hiện trên bản đồ thế giới 155 năm trước bởi ông Fredrik Idestam với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bột giấy. Vài năm sau đó, ông hợp tác với người bạn là Leo Mechelin để mở rộng sản xuất cho Nokia; đây là người sau này đã trở thành chủ tịch công ty và mở rộng lĩnh vực kinh doanh của công ty sang sản xuất điện, dù bị người bạn của mình phản đối. Năm 1922, Nokia bắt đầu hợp tác với Công ty Cao su Phần Lan (Suomen Gummitehdas) và nhà máy cáp Kaapelitehdas; tất cả đều do ông Eduard Polón lãnh đạo.
Logo thuở ban đầu của Nokia
Ảnh: Kindpng
Năm 1967, ba công ty Nokia, Kaapelitehdas và Cao su Phần Lan chính thức hợp nhất tạo ra Tập đoàn Nokia mới. Tập đoàn này tái cấu trúc và tham gia vào bốn lĩnh vực kinh doanh chính: lâm nghiệp, cáp, cao su và điện tử. Tại thời điểm này, công ty hưởng nhiều lợi ích từ việc mở rộng và hợp tác với Liên Xô, khi đây là một trong những thị trường lớn nhất của họ. Nokia cũng giao thương với Mỹ, dù đây đang là giai đoạn chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Những năm đầu trong việc phát triển ngành điện tử
Chỉ 10 năm sau, Nokia dưới sự lãnh đạo của Kari Kairamo đã chuyển hướng mạnh mẽ sang ngành điện tử, dù vẫn duy trì hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh còn lại. Sự phát triển mạnh mẽ của Nokia giúp cho Phần Lan được so sánh với Nhật Bản, cường quốc về phát triển công nghệ tại thời điểm này. Nokia đã mua lại nhiều công ty bao gồm nhà sản xuất tivi Salora vào năm 1984, tiếp theo là nhà sản xuất máy tính và điện tử Thuỵ Điển Luxor AB năm 1985 và nhà sản xuất truyền hình Pháp Oceanic năm 1987. Điều này đã đưa Nokia trở thành nhà sản xuất TV lớn thứ ba của Châu Âu trong những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ sau Philips và Thomson.
Một chiếc TV được sản xuất bởi Nokia
Ảnh: Nokia
Trong các quyết định mua lại của công ty, thương vụ sáng suốt nhất chính là Mobira – một công ty chuyên về sản xuất điện thoại di động thời điểm đó. Việc mua lại công ty này chính là nền tảng cho mảng kinh doanh điện thoại di động trong tương lai của hãng. Tại thời điểm mới mua lại, Nokia không mặn mà với Mobira như các mảng kinh doanh khác. Dù vậy, công ty con này vẫn có những bước đột phá trong ngành viễn thông tại khu vực Châu Âu cũng như trên thế giới tại thời điểm bấy giờ.
Năm 1981, Mobira ra mắt dịch vụ Điện thoại Di động Bắc Âu (NMT), mạng di động đầu tiên trên thế giới cho phép chuyển vùng quốc tế. Một năm sau, Mobira ra mắt điện thoại Mobira Senator, điện thoại di động đầu tiên của Nokia.
Chiếc điện thoại Mobira Senator của Nokia
Ảnh: Nokia
Đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, một cú sốc bất ngờ xảy ra với Nokia khi CEO Kairamo – người khởi xướng cho những thay đổi mạnh mẽ trong tập đoàn – tự sát vào một ngày mùa đông năm 1988. Sau cái chết của ông, Nokia đã phải đưa ra những cải tổ mạnh mẽ khi mà nền kinh tế Phần Lan rơi vào suy thoái, đồng thời nhiều mảng kinh doanh tỏ ra kém hiệu quả. Đầu tiên là mảng sản xuất cáp của công ty, sau đó là mảng sản xuất cao su đều được tách thành những doanh nghiệp riêng lẻ không có quan hệ với tập đoàn. Nokia cũng bán bộ phận máy tính của mình là Nokia Data cho ICL, một công ty công nghệ có trụ sở tại Vương quốc Anh. Mặc dù đây đều là những thương vụ đúng đắn trong tình cảnh công ty tại thời điểm đó, nhưng các nhà đầu tư không đánh giá cao điều này, khiến cổ phiếu Nokia giảm mạnh.
Phát triển mạnh mẽ nhờ ngành sản xuất điện thoại
Thời kỳ khủng hoảng của Nokia bắt đầu chấm dứt khi Jorma Ollila – người đứng đầu bộ phận điện thoại của tập đoàn – chính thức trở thành CEO vào năm 1992. Ông đã định hướng công ty đi theo định hướng điện tử viễn thông, mở ra trang mới trong lịch sử của tập đoàn này. Lợi nhuận hoạt động của công ty từ mức âm năm 1991 tăng lên 1 tỷ USD 4 năm sau đó và gần 4 tỷ USD vào năm 1999. Tháng 10/1998, Nokia chính thức vượt qua Motorola để trở thành thương hiệu điện thoại bán chạy nhất thế giới; 2 tháng sau đó, họ sản xuất chiếc điện thoại thứ 100 triệu của mình.
Một trong những lý do giúp cho Nokia trở nên khác biệt với các đối thủ là những thiết kế trẻ trung, đổi mới và khác biệt của họ nhắm trực tiếp vào các khách hàng trẻ tuổi. Nổi bật trong số đó là Nokia 5110, Nokia 3210 và Nokia 3310 với những thiết kế màu sắc, thời trang khác hẳn so với các sản phẩm của Motorola và Sony Ericsson, 2 đối thủ lớn nhất của họ thời đó. Ngoài ra, thương hiệu xa xỉ của hãng là Vertu cũng được thành lập, đem lại những sản phẩm sang trọng cho đối tượng doanh nhân.
Bộ ba điện thoại Nokia 5110, 3210 và 3310 theo thứ tự từ trái sang phải
Ảnh: Pinterest
Tuy nhiên chỉ thiết kế thôi là chưa đủ để Nokia trở nên khác biệt hoàn toàn so với các đối thủ. Hệ điều hành Symbian được công ty phát triển thông qua công ty con cùng tên đem lại những trải nghiệm mới cho người dùng trên thiết bị di động, với những tính năng vô cùng độc đáo. Dù vậy, hệ điều hành này gây ra nhiều khó khăn cho các nhà phát triển ứng dụng với những hạn chế của mình.
Đến năm 2000, Nokia có hơn 55.000 nhân viên, hoạt động tại 140 quốc gia trên thế giới và chiếm 30% thị phần trên thị trường điện thoại di động, lớn gần gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Motorola. Từ năm 1996 đến 2001, doanh thu của Nokia đã tăng gấp 5 lần, từ 6,5 tỷ euro lên 31 tỷ euro.
Tiếp nối thành công
Không dừng lại với chỉ những thành công nêu trên, Nokia tiếp tục mang đến đột phá với những chiếc điện thoại chụp ảnh. Năm 2003, họ bán những chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh đầu tiên là Nokia 3600/3650 tại thị trường Bắc Mỹ.
Hai năm sau đó, Nokia bắt đầu hợp tác với nhà sản xuất máy ảnh quang học của Đức Carl Zeiss AG và cho ra mắt dòng điện thoại N-Series. Nokia N95 và Nokia N82 lần lượt đạt được giải thưởng “Thiết bị di động chụp ảnh tốt nhất” tại Châu Âu trong các năm 2006 và 2008, đem lại thành công vang dội cho Nokia trên thị trường điện thoại di động.
Mặc dù cũng chịu thất bại khi cố gắng tham dự vào thị trường máy chơi game cầm tay – vốn được thống trị bởi Nintendo – thông qua chiếc điện thoại N-gage, nhưng về cơ bản, thành công với những chiếc điện thoại của Nokia trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 là không thể chối bỏ. Năm 2007, hãng đạt đỉnh cao khi thị phần trong ngành sản xuất điện thoại di động đạt 40,4%, trong đó riêng quý IV đạt 51%.
Vào thời điểm này, Apple mới cho ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên của hãng và chỉ có 5% thị phần trong ngành sản xuất điện thoại thông minh. Nokia tỏ ra quá thống trị trong ngành, và họ từ chối những thay đổi về mặt hệ điều hành cũng như coi nhẹ các dòng điện thoại cảm ứng.
Nokia thống trị thị trường điện thoại trong năm 2007
Ảnh: Yankee Group Research
Suy yếu và từ bỏ mảng điện thoại
Kể từ khi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, Apple đã đưa ra rất nhiều cải tiến cả về thiết kế, phần cứng lẫn phần mềm. Cùng với hệ điều hành iOS, hệ sinh thái ứng dụng AppStore của họ đã mang lại những điều mới mẻ và vô cùng khác biệt cho người sử dụng. Thay vì học theo Apple, Nokia vẫn tiếp tục phát triển phần mềm sử dụng trên điện thoại của mình thông qua Symbian và sử dụng cửa hàng Ovi Store. Trong khi hệ điều hành Symbian có tốc độ xử lý chậm, nhiều lỗi và đặc biệt rất dễ bị các loại malware trên điện thoại tấn công thì Ovi Store có số lượng phần mềm ít ỏi khi so sánh với Android Store và AppStore, hai cửa hàng ứng dụng mới nổi của Google và Apple.
Thêm vào đó, các loại điện thoại cảm ứng đa điểm bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, đem lại nhiều sự tiện lợi cho khách hàng hơn hẳn so với các loại điện thoại nút bấm và cảm ứng điện dung của Nokia. Điều này càng khiến cho hãng gặp nhiều khó khăn trong việc bán các loại máy điện thoại truyền thống của mình.
Năm 2010, sau khi bổ nhiệm CEO mới là ông Elop, hãng đã tiến hành một số cải tổ, trong đó có việc kết hợp với Intel trong việc xây dựng hệ điều hành MeeGo Linux. Mặc dù hệ điều hành Meego “Harmattan” trên điện thoại N9 của hãng được đón nhận bởi những khách hàng, song Nokia đã quyết định hợp tác với Microsoft vào năm 2011, sản xuất các loại điện thoại sử dụng hệ điều hành Asha và Windows Phone, đồng thời từ bỏ dự án với Intel. Điều này làm cho rất nhiều khách hàng của hãng tỏ ra thất vọng; đồng thời, họ cũng nhận ra rằng hệ điều hành Symbian sẽ không được Nokia tiếp tục cải tiến nữa. Sau khi hợp tác với Microsoft, hãng đã ra mắt điện thoại chạy Windows Phone đầu tiên là Lumia 800.
Việc ra mắt Lumia 800 không cứu được việc kinh doanh của Nokia
Ảnh: Nokia
Từ năm 2011, lượng máy bán ra của hãng tiếp tục sụt giảm trầm trọng, kéo theo doanh số cũng giảm mạnh. Quý II/2011, lần đầu tiên sau 19 năm hãng ghi nhận khoản thua lỗ trong kinh doanh; sau đó, lượng máy Lumia bán ra không đủ để bù đắp việc sụt giảm doanh thu từ các đời máy cũ, dẫn đến những quý tiếp theo thảm hoạ cho Nokia. Đến giữa năm 2012, giá cổ phiếu của công ty giảm xuống dưới 2USD/cổ phiếu.
Trong nỗ lực của mình, Nokia tiếp tục ra mắt Lumia 920, dòng điện thoại cao cấp dùng hệ điều hành Windows Phone. Đồng thời, hãng cũng tiếp tục đẩy mạnh bán các mẫu điện thoại Asha và thu được thành công ở nhiều nước, giúp thị phần mảng điện thoại tăng lên đôi chút nhưng vẫn không tránh khỏi việc thua lỗ.
Từ năm 2011 đến 2013, lợi nhuận sau thuế của Nokia luôn ở mức âm
Nguồn data: Macro Trend
Vào tháng 9/2013, Nokia thông báo bán bộ phận di động và thiết bị của mình cho Microsoft. Chủ tịch Microsoft khi đó là Steve Ballmer muốn Microsoft sản xuất nhiều phần cứng hơn thay vì chỉ tập trung vào phần mềm, do đó đã xúc tiến nhanh chóng việc mua lại này. Việc mua bán hoàn tất vào tháng 4/2014, với việc Microsoft Mobile trở thành đơn vị kế thừa bộ phận thiết bị di động của Nokia. Mặc dù được tiếp quản bởi Microsoft, song lúc này, Nokia đã tỏ ra quá thua kém với Apple và các công ty sản xuất điện thoại trên nền tảng hệ điều hành Android khác. Mọi nỗ lực của Microsoft không cứu vãn nổi mảng điện thoại đã quá yếu kém của hãng công nghệ Phần Lan; kết quả là các tài sản mua từ Nokia cuối cùng đã bị Microsoft xoá sổ hoàn toàn vào năm 2015. Việc làm này đã khiến họ thua lỗ ít nhất 8 tỷ USD trong thương vụ mà CEO hiện nay của họ, ông Satya Nadella cực lực phản đối vào thời điểm đó.
Thị phần của Nokia giảm mạnh xuống chỉ còn dưới 5% vào năm 2018
Ảnh: Elżbieta Rychłowska-Musiał, ResearchGate
Chuyển hướng sang nghiên cứu và tham vọng của Microsoft
Sau thất bại của bộ phận điện thoại, ngày nay, Nokia được biết đến thông qua các bộ phận nghiên cứu, viễn thông và thiết bị mạng. Nokia Technologies, công ty con thuộc tập đoàn Nokia, thông qua việc cấp phép để sử dụng các sáng chế, công nghệ và thương hiệu của hãng, thu về được khoảng 1,4 tỷ euro (1,67 tỷ USD) doanh thu mỗi năm. Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Samsung hay Apple vẫn đang sử dụng những bản quyền sáng chế từ Nokia trong nhiều năm qua.
Bộ phận viễn thông và thiết bị mạng (Nokia Networks) hiện đang là phần lớn nhất của tập đoàn này, và cũng là lý do mà Microsoft muốn mua một phần của Nokia một lần nữa. Nokia Networks là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ ba thế giới, tính theo doanh thu năm 2017 (sau Huawei và Cisco). Đặc biệt tại Mỹ, Nokia và Ericsson là 2 công ty duy nhất cung cấp việc xây dựng mạng 5G cho các nhà khai thác, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra. Hai đối thủ lớn nhất của Nokia tới từ Trung Quốc là ZTE và Huawei đã không còn được cấp phép về xây dựng mạng 5G tại Mỹ; do đó, họ trở thành một đối tác vô cùng quan trọng đối với những nhà mạng ở Mỹ. Thêm vào đó, mới đây Nokia đã nhận được một đơn hàng từ Anh để thay thế cho Huawei, trong bối cảnh hãng này cũng đang bị cấm cung cấp thiết bị tại đây.
Microsoft rất muốn mua lại mảng viễn thông của Nokia với tham vọng phát triển mạng 5G
Ảnh: Madhyamam English
Microsoft tỏ ra rất quan tâm tới mảng viễn thông, đặc biệt là công nghệ 5G. Microsoft cho rằng đây sẽ là công nghệ của tương lai giúp cho hãng đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong các lĩnh vực liên quan. Metaswitch và Affirmed Networks là hai công ty về viễn thông mà Microsoft đã mua lại trong năm nay, và người khổng lồ công nghệ của Mỹ rất muốn nhắm đến Nokia Networks, một công ty có nhiều công nghệ quan trọng về mạng 5G mà họ mong được sở hữu.
Từ một công ty dẫn đầu toàn ngành sản xuất điện thoại, việc quá bảo thủ và chậm chạp trong việc chuyển đổi công nghệ so với các đối thủ trong ngành đã khiến Nokia gần như biến mất trên bản đồ thế giới. Ngày nay, những chiếc điện thoại Nokia vẫn mang lại cảm xúc cho những người dùng điện thoại đã gắn bó với hãng trong thời kỳ đỉnh cao; tuy nhiên người ta vẫn đặt ra những chữ Nếu với hãng. Nếu ngày đó Nokia không quá bảo thủ với Symbian, liệu có cơ hội nào cho Apple và Samsung hay không?
Phạm Tiến Đạt
* Nguồn: CafeF