Nước đi mạo hiểm của Vietravel

Tổng số tiền bị thu hồi thuế GTGT đã hoàn và tiền phạt chậm nộp là hơn 396 tỷ đồng. Công ty đang tiến hành các thủ tục khiếu nại/khởi kiện liên quan đến các quyết định thuế. Số tiền bị thu hồi và tiền phạt trên tương đương với lợi nhuận 3 năm gần nhất của Thuduc House.


Hoàn chỉnh hệ sinh thái

Ngày 26/12, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam ( Thương hiệu Vietravel Airlines) chính thức ra mắt. Dự kiến, các chuyến bay thương mại phục vụ hành khách sẽ được hãng khai thác từ tháng 1/2021. Vietravel Airlines sẽ tập trung vào vận chuyển khách du lịch trong thời gian đầu, sau đó mới từng bước mở rộng ra khách hàng đại chúng.

Hãng khai thác 3 tàu bay trong năm đầu và trong vòng 5 năm nâng lên 30, máy bay khai thác là mẫu A321ceo với cấu hình 220 ghế. Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines cho biết với mô hình hãng hàng không hỗn hợp (kết hợp giữa mô hình giá rẻ và truyền thống), vé của Vietravel Airlines sẽ nằm ở khoảng giữa Vietjet và Bamboo Airways. Giá vé chỉ có một hạng duy nhất với 17 mức giá từ thấp đến cao.

Sau 25 năm, Vietravel ( UPCoM: VTR ) từ hãng du lịch nhỏ nằm trong Bộ Giao thông Vận tải với 7 nhân viên, tiền điện 6 triệu đồng/tháng vươn lên dẫn đầu thị phần ngành lữ hành. Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nghiệm ra rằng trong kinh doanh không thể phát triển đơn độc, cần sự kết nối tạo nên hệ sinh thái.

Vietravel là đối tác lớn của các hãng bay trong nước và trên 40 hãng bay nước ngoài. Mỗi năm đơn vị đặt vé máy bay khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2020 nếu không có dịch Covid-19 thì con số này là 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp từng có những đường bay thuê chuyến ròng rã 6 tháng, tạo ra nguồn khách ổn định và sau đó chính các hãng hàng không nhìn thấy tiềm năng để mở đường bay thường lệ, không cần Vietravel nữa. Vị chủ tịch doanh nghiệp cho rằng đây là điều đáng tiếc.

Do vậy, sự ra đời của Vietravel Airlines là mảnh ghép hoàn chỉnh trong hệ sinh thái dịch vụ lữ hành hàng không của Vietravel. Dự án sẽ tận dụng các thế mạnh của Vietravel như hệ thống chi nhánh 40 văn phòng khắp cả nước cùng 6 văn phòng toàn cầu.


Vietravel Airlines sẽ khai thác thương mại từ tháng 1/2021. Nguồn: Vietravel Airlines

Bối cảnh khó chồng khó

Dự án hàng không được Vietravel khởi động từ 2018 nhưng bối cảnh ngành du lịch và hàng không năm 2020 đã bị đại dịch Covid-19 làm thay đổi một cách toàn diện. Tại buổi lễ ra mắt, ông Kỳ thừa nhận việc lập hãng hàng không trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là điều mạo hiểm.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành du lịch thế giới năm 2020 ước giảm từ 70-75% so với năm 2019, tương đương việc giảm 1 tỷ khách du lịch quốc tế, mất đi 120 triệu việc làm và tổng doanh thu giảm 1.100 tỷ USD. Ngành du lịch Việt Nam không nằm ngoài diễn biến tiêu cực trên. Nếu như giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế trên 22% thì năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 87% so với năm trước. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 56 triệu lượt, giảm khoảng 34% so với 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019.

Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu ngành hàng không thế giới năm nay sẽ giảm tới 60% so với năm trước. Mặc dù mỗi ngày đã cắt giảm 1 tỷ USD chi phí, sa thải nhân viên nhưng các hãng hàng không thành viên của hiệp hội vẫn phải đối mặt với khoản lỗ chưa từng có. Nhiều hãng hàng không trên thế giới tuyên bố phá sản. Tại Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm, tổng số chuyến bay khai thác là 198.785 chuyến, giảm 21% so với năm trước với chủ yếu các chuyến bay nội địa. Hầu hết các hãng hàng không trong nước đều thu không đủ bù chi, xuất hiện khoản lỗ lớn và gặp khó khăn về dòng tiền.

Chứng khoán Rồng Việt cho rằng việc hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và việc thiếu vắc-xin hữu hiệu cho đến giữa năm sau khiến triển vọng ngành du lịch và hàng không trong trung hạn nhìn chung không mấy tươi sáng. Phải đến năm 2024, lượng du khách quốc tế và nội địa đi quốc tế mới phục hồi lại mức trước dịch (2019).


Du khách quốc tế và nội địa đi quốc tế phải đến 2024 mới phục hồi mức trước dịch.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Vietnam Airines đánh giá thị trường hàng không ghi nhận tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại so với giai đoạn trước, đặc biệt là mảng quốc tế. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan xảy ra tình trạng dư tải, tốc độ tăng trưởng hành khách thấp hơn tốc độ tăng trưởng cung ứng. Các hãng giá rẻ đổ tải hàng loạt khiến mặt bằng giá vé giảm mạnh.

Thị trường thuê chuyến tăng 22% nhưng chủ yếu tăng trưởng ở phân khúc LCC với 40%. Việc đồng nhân dân tệ mất giá và kinh tế gặp nhiều khó khăn khiến thị trường thuê chuyến Trung Quốc trở nên ảm đạm hơn, nhiều đối tác thuê chuyến ngưng hợp đồng, giảm tuần suất.

Tại thị trường nội địa, Bamboo Airways gia nhập ngành và tăng quy mô đội tàu bay lên tới trên 20 chiếc. Vietjet với mục tiêu giữ slot, giành thị phần đã liên tục tăng tải và triển khai giảm giá mạnh. Số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng. Trong khi đó, sản lượng khách nội địa tăng 13,5%, thấp hơn 4% so với tăng trưởng tải. Điều này dẫn tới giá vé trung bình giảm 7%. Lượng khách tăng thêm đa phần ở phân khúc giá rẻ, chuyển từ đường sắt và đường bộ sang.

Tình trạng quá tải ở các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… cũng khiến hãng hàng không mới như Vietravel Airlines gặp khó trong quá trình khai thác. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel thẳng thắn chia sẻ mặc dù chỉ khai thác 3 máy bay thời gian đầu nhưng slot bay cấp cho Vietravel Airlines không đủ và đơn vị phải tự giải quyết bài toán thị trường, tạo nguồn khách từ kinh doanh lữ hành.

Mặt khác, ngay cả trong điều kiện bình thường, các hãng hàng không mới đi vào vận hành đều lỗ thời gian đầu và cần nguồn vốn lớn để duy trì hoạt động. Công ty mẹ – Vietravel cam kết sẽ bổ sung vốn cho Vietravel Airlines để đảm bảo mức vốn tối thiểu luôn không thấp hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ thừa nhận Vietravel không phải là đơn vị mạnh về tài chính.

Tính đến 30/9, quy mô tổng tài sản của Vietravel 1.931 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ đồng là để thành lập Vietravel Airlines, một phần cũng khá lớn khác là khoản phải thu ngắn hạn hơn 532 tỷ đồng. Quy mô tài sản lên đến gần 2.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ khoảng 204 tỷ đồng, nợ vay tài chính trên 1.000 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 337 tỷ đồng.

Chủ tịch Vietravel cho hay đơn vị chọn cách đi thuê máy bay để có thể cầm cự ngay cả khi thị trường giảm sâu. Đồng thời, doanh nghiệp được rất nhiều nhà đầu tư và các tổ chức định chế tài chính quan tâm đầu tư và tài trợ vốn, các ngân hàng lớn như VCB, BIDV và Vietinbank ký hợp đồng cấp hạn mức tín dụng tín chấp là 850 tỷ đồng.

Dù doanh thu ghi nhận mỗi năm trong giai đoạn 2016-2019 từ 5.269 tỷ lên 7.438 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế trồi sụt quanh mốc 40 – 50 tỷ đồng. Như vậy, biên lợi nhuận chỉ chưa tới 1%. Việc hoàn chỉnh hệ sinh thái dịch vụ lữ hành về lâu dài có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Doanh nghiệp lữ hành cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. 9 tháng, dịch bệnh Covid-19 khiến doanh thu giảm đến 75% xuống 1.461 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 73,6 tỷ đồng khiến phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ còn vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng.

Người đồng hành

Chúc Anh Chị ngày vui!

X