Sự trở lại của ngành thời trang Ý với những thương hiệu đại gia như Prada, Gucci, Valentino… là một dấu hỏi lớn khi mà cả thế giới đang quay cuồng vì COVID-19.
Sau gần 2 tháng đóng cửa để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch COVID-19, phần lớn các công ty thời trang của Ý đã tái khởi động trong tuần qua, bất chấp những quan ngại về một tương lai không chắc chắn.
Là một trong những “viên ngọc quý” trong lĩnh vực sản xuất, cả về mặt kinh tế lẫn biểu tượng, ngành thời trang và may mặc của Ý vẫn không tránh khỏi vòng ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, sau khi các biện pháp hạn chế đối với một số lĩnh vực sản xuất (bao gồm cả chế tạo) được gỡ bỏ vào ngày 4/5, tâm trạng các “đại gia” thời trang dường như khá lạc quan. Claudio Marenzi, Chủ tịch Hiệp hội các công ty dệt may và thời trang của Ý Confindustria Moda, cho biết: “Chúng tôi đang tiếp cận giai đoạn này với cả sự nhiệt tình và lo lắng”.
Theo kết quả khảo sát của Confindustria Moda, tổn thất trung bình về doanh thu của các hãng thời trang Ý trong quý I/2020 so với cùng quý năm ngoái là hơn 35%.
Ảnh: CNBC
Confindustria Moda hiện đại diện cho khoảng 66.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thời trang và phụ kiện (trong tổng số khoảng 80.000 doanh nghiệp trên toàn quốc), với rất nhiều trong số này có quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết các công ty đều theo định hướng xuất khẩu mạnh mẽ, với doanh số bán ra nước ngoài chiếm 66,3% tổng doanh thu trong năm 2018.
“Tất cả chúng tôi đều mong muốn mở cửa trở lại và chúng tôi cảm thấy tự tin rằng mình sẽ cố gắng hết sức. Đây là nguồn lạc quan chính của chúng tôi”, Chủ tịch Marenzi chia sẻ. Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Confindustria Moda, các công ty thuộc Hiệp hội đều nhận thức được những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt. Một số công ty sẽ đưa ra lựa chọn đúng và số khác sẽ lựa chọn sai. Điều này thường xảy ra trong mỗi lần tái khởi động và trong bối cảnh chưa từng có như hiện nay, rủi ro thậm chí còn lớn hơn.
Ngành thời trang và dệt may Ý mang về doanh thu ít nhất 95,5 tỉ euro (103,3 tỉ USD) cho nền kinh tế và sử dụng hơn 580.000 lao động. Theo kết quả khảo sát của Confindustria Moda, tổn thất trung bình về doanh thu của các hãng thời trang trong quý I/2020 so với cùng quý năm ngoái là hơn 35%.
Ngoài ra, các công ty cũng ghi nhận số đơn đặt hàng giảm trung bình 40,5% trong quý đầu tiên và có ít nhất 80% trong số những công ty này cho biết họ sẽ phải trợ cấp thất nghiệp cho nhân viên của mình để xoa dịu tác động của khủng hoảng COVID-19. Cuộc khảo sát của Confindustria Moda được thực hiện từ ngày 7-17/4, thời điểm lĩnh vực thời trang hoàn toàn đóng cửa, với sự tham gia của 320 doanh nghiệp.
Theo dự báo, ngành thời trang Ý sẽ khó có thể phục hồi trong năm 2020.
Ảnh: Gucci
Tuy nhiên, tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi nhìn vào tổng thể cả năm 2020. Theo Chủ tịch Marenzi, con số suy giảm có thể vượt xa mức 35% bởi dịch COVID-19 đang kéo theo sự suy giảm trong ngành du lịch quốc tế. Ông Marenzi nói thêm: “Các khách du lịch châu Á – đặc biệt là 3 quốc gia quan trọng nhất của ngành thời trang là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật – sẽ giảm, cũng như các nước Mỹ và Nga. Sự vắng mặt của những du khách này sẽ khiến tiêu dùng nội địa sụt giảm hơn nữa”.
Ngoài ra, Phòng Thời trang quốc gia Ý có trụ sở tại Milan cũng tuyên bố Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2021 sẽ hoãn đến tháng 7/2020 và chỉ diễn ra trên nền tảng kỹ thuật số để giúp các nhà thiết kế giới thiệu sản phẩm của mình đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ đồ may mặc đang chịu ảnh hưởng lớn nhất do lệnh hạn chế đối với các cửa hàng bán lẻ sẽ chỉ được gỡ bỏ vào ngày 18/5. Renato Borghi, Chủ tịch Hiệp hội Thời trang Ý (Federmoda), cho biết: “Doanh số tại các cửa hàng thời trang của Ý đạt khoảng 60 tỉ euro mỗi năm và chúng tôi ước tính ít nhất 15 tỉ euro đã mất đi vì dịch COVID-19”.
Hiệp hội Federmoda đại diện cho khoảng 25.000 nhà sản xuất dệt may, quần áo và thời trang nhỏ. Federmoda thậm chí còn dự báo có đến 15.000 (trong khoảng 115.000) cửa hàng đang đối mặt nguy cơ đóng cửa vì khủng hoảng.
Federmoda đã đệ trình đề nghị hỗ trợ lên chính phủ, trong đó bao gồm các khoản trợ cấp, yêu cầu gia hạn thanh toán đối với thuế và các khoản an sinh xã hội đến tháng 9/2020, cũng như chương trình tín dụng thuế trên 60% đối với hàng tồn kho.
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư