Kể chuyện – Bí kíp của marketing nội dung số

Kể chuyện là cách các thương hiệu cung cấp thông tin giá trị cho khán giả của mình, và giành được sự chú ý của họ.

Không ai muốn nhìn thấy một đoạn quảng cáo sản phẩm chen vào giữa một video YouTube hay giữa một bộ phim đang xem. Cư dân mạng bây giờ rất thành thạo việc cài đặt phần mềm để chặn quảng cáo.

Năm 2019, Edelman – công ty chuyên cung cấp các dịch vụ quan hệ công chúng (PR) – đã chỉ ra rằng 74% người tiêu dùng sử dụng 1 hoặc nhiều phương pháp chặn quảng cáo. Điều này có nghĩa là cứ 4 người lại có 3 người không muốn nhìn thấy quảng cáo của thương hiệu khi chưa được sự cho phép của họ.

Những nội dung quảng cáo đơn thuần trên mạng đã trở thành sự phiền nhiễu đối với người xem. Các nhãn hàng bây giờ cần có sự cho phép để kết nối với khán giả.

Việc này giống như đi hẹn hò vậy. Nếu ai đó liên tục cằn nhằn bắt bạn phải đi chơi với họ, liệu bạn có muốn đi không? Nếu bạn quyết định cho họ 1 cơ hội, nhưng họ lại dành toàn bộ thời gian chỉ để nói về bản thân họ, rằng họ tuyệt vời thế nào và bạn nên nắm bắt cơ hội để hẹn hò với họ ra sao, liệu bạn có liên lạc lại với họ không? Câu trả lời là: Không.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì trong cuộc hội thoại đó không có nội dung nào hữu ích với bạn và thật sự rất khó chịu.

Mặt khác, hãy tưởng tượng nếu người đó lôi bạn vào những cuộc thảo luận thú vị và giữ cho cuộc trò chuyện tập trung vào mong muốn và nhu cầu của bạn, liệu bạn có cảm thấy thoải mái không? Chắc chắn là có. Bởi vì họ cung cấp cho bạn những điều có giá trị.

Đó chính là lí do tại sao các thương hiệu nên tập trung vào Kể chuyện (storytelling). Kể chuyện là cách các thương hiệu cung cấp thông tin giá trị cho khán giả của mình. Những thông tin giá trị này là một cách để có được quyền giao tiếp với khán giả và giành được sự chú ý của họ.

Kể những chuyện gì?

Có ba yếu tố quan trọng trong nội dung cốt truyện:

1. Giải trí

Đây có lẽ là yếu tố cơ bản nhất của kể chuyện. Chìa khóa để tạo ra những yếu tố giải trí mà người xem dễ dàng cộng hưởng là liên tục cập nhật và theo dõi những điều mà khán giả đang quan tâm, kết hợp với phong cách của nhãn hàng, kể cả khi nội dung của chúng không liên quan đến nhau.

Red Bull là một ví dụ. Các nội dung số của hãng này tập trung vào thể thao mạo hiểm và “năng lượng”. Trong clip nói chung sẽ không thấy ai uống 1 lon Red Bull hay nói về sản phẩm này. Nội dung hầu hết đều là những điều mà khách hàng hứng thú và phong cách định hình của nhãn hàng.

2. Giáo dục

Khán giả vẫn đang tìm kiếm một số hình thức tiện ích trực tuyến, vì vậy, tất cả các thông tin không cần thiết phải mang tính giải trí. Mang lại cho khán giả những thông tin giáo dục có giá trị, không ràng buộc là một cách tốt để xây dựng niềm tin.

Một ví dụ điển hình cho giáo dục là IKEA với loạt bài hướng dẫn về thủ thuật trang trí nhà cửa. Đương nhiên là sản phẩm của IKEA luôn xuất hiện trong video, nhưng nội dung truyền thông của hãng này là chia sẻ các mẹo bày trí có thể áp dụng với bất kì món đồ nào, và họ không giới thiệu về giá cả hay chương trình khuyến mãi sản phẩm. IKEA chỉ đơn giản muốn khán giả của mình thiết kế nhà cửa tốt hơn thôi.

3. Khai sáng

Nắm bắt các vấn đề xã hội là một cách hay để xây dựng niềm tin với khán giả. Nhưng họ phải tin rằng nhãn hàng thực sự coi trọng vấn đề. Nếu không làm điều này một cách nghiêm túc, nhãn hàng sẽ mất đi khán giả của mình.

Khai sáng có nghĩa là đặt bản thân vào phía sau 1 vấn đề xã hội. Ví dụ như thương hiệu thời trang Patagonia đang tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ cá hồi hoang dã, bởi thương hiệu của họ hướng tới môi trường bền vững.

Nội dung số là một cuộc chơi lâu dài

Việc tạo và xuất bản nội dung hay sẽ giúp cho thương hiệu thành công. Áp dụng những yếu tố quan trọng của kể chuyện sẽ mang lại những nội dung chất lượng cao hơn.

Có thể dễ dàng nhận thấy không nhiều các thương hiệu vận hành theo cách này, bởi nó đòi hỏi sự đầu tư, thời gian và sự kiên nhẫn. Một câu chuyện hay sẽ giúp thương hiệu tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và dễ dàng thúc đẩy người mua hàng. Nhưng thật đáng buồn là hầu hết các thương hiệu đều muốn kết quả ngay lập tức. Họ liên tục đưa ra nội dung quảng cáo và chấp nhận kết quả thấp nhất, bởi những kết quả đó sẽ đến ngay lập tức.

Nhưng giá trị thực sự của tiếp thị nội dung số là khả năng phát triển mối quan hệ lâu dài với người tiêu dùng bằng cách kể cho họ câu chuyện về một thương hiệu mà họ tin tưởng và cảm thấy đồng nhất với mình.

Hãy suy nghĩ về các thương hiệu mà có được sự trung thành của người tiêu dùng. Họ có cung cấp các thông tin giá trị cho người xem không? Có thấy họ hiểu về bản thân khách hàng không, hay họ chỉ mang lại một đống quảng cáo dồn dập?

* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Chúc Anh Chị ngày vui!

X