Tận dụng sức mạnh của AI: Cải thiện kinh doanh tại các hãng vận chuyển và nhà hàng Nhật Bản

Sự phổ biến ngày một tăng của việc mua hàng trực tuyến đã làm lĩnh vực vận chuyển gặp khó khăn trong việc tìm tài xế. Trong khi đó, lĩnh vực nhà hàng lại vật lộn để giảm bớt lãng phí trong ngành công nghiệp nổi danh là ít lợi nhuận này.

Và AI có thể là câu trả lời cho vấn nạn của cả hai ngành công nghiệp nói trên.

Japan Data Science Consortium Co. (JDSC), một startup được thai nghén tại Đại học Tokyo tin rằng, một sáng chế AI của công ty, với khả năng phân tích các dữ liệu sử dụng điện trong nhà để nhận biết xem chủ nhà có thể nhận bưu kiện được giao hay không, sẽ có thể giải quyết vấn đề của các hãng vận chuyển.

Nói theo cách khác, AI này sẽ giúp tính toán lộ trình vận chuyển cho tài xế, dựa trên dữ liệu sử dụng điện: Nếu điện đang được sử dụng, thì khả năng cao là nhà đang có người để nhận hàng, và tài xế sẽ không phải giao lại hàng do không có người nhận.

Dựa trên thành công của một nghiên cứu vào năm 2018, JDSC, cùng với hãng vận chuyển Sagawa Express Co. và Đại học Tokyo, sẽ thực hiện thử nghiêm AI vào mùa hè năm nay để tìm ra những chặng đường vận chuyển có hiệu quả nhất, thông qua các dữ liệu sử dụng điện lấy từ công-tơ-mét thông minh.

Thử nghiệm này chưa từng có tại bất cứ quốc gia nào khác. Mỹ và Châu Âu thì lại không gặp vấn đề này do đa số bưu kiện sẽ thường được để ngoài nhà,” Giám độc Khoa học Dữ liệu của JDSC, ông Shimpei Ohsugi chia sẻ thông qua phỏng vấn. “Nhật Bản thì lại là một trong số các quốc gia hàng đầu về lắp đặt công-tơ-mét thông minh, và lại có vấn đề về việc chuyển hàng lại, và do đó đã trở nên cấp tiến về lĩnh vực này.”

Ngoài ra, dữ liệu sử dụng năng lượng cũng có thể hữu dụng với nhiều dịch vụ khác, ví dụ: người thân và người chăm sóc có thể theo dõi người cao tuổi ở một mình từ xa.

Dự kiến, tới cuối tháng 3 năm 2025, tất cả các hộ gia đình tại Nhật đều sẽ được lắp đặt công-tơ-mét thông minh, còn công ty Tokyo Electric Power Company Holdings Inc. sẽ trở thành đơn vị chính, giúp lắp đặt cho tất cả 20 triệu hộ gia đình tại thủ đô này vào cuối tháng 3 năm 2021.

Hiển nhiên, việc sử dụng dữ liệu này sẽ làm dấy lên nhiều quan ngại về vấn đề bảo mật, song Ohsugi lại bác bỏ các quan ngại này, bởi theo ông, chỉ AI mới có thể biết được các dữ liệu này. Cụ thể, AI sẽ công bố cho tài xế hộ gia đình nào đang không có người, mà chỉ gợi ý lộ trình và thứ tự vận chuyển. Ngoài ra, việc sử dụng dữ liệu sẽ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ hộ.

Nếu thành công, hệ thống này sẽ trở thành cứu tinh của ngành công nghiệp vận tải. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp công bố phá sản do không thể kiếm được lao động tại Nhật đã đạt tới kỷ lục là 200 doanh nghiệp vào hồi năm ngoái, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, do không thể đáp ứng được nhu cầu thương mại điện tử ngày một tăng tại nước này.

Biểu đồ bên trái biểu hiện lộ trình được lên bởi tài xế, trong đó các đốm xanh là số lượt giao hàng thành công, đốm đỏ là lượt giao hàng không thành công, còn đường đỏ là lộ trình giao lại hàng. Biểu đồ bên phải thì biểu hiện lộ trình tối ưu được đưa ra bởi AI trong thí nghiệm tại khuôn viên Đại học Tokyo. | ẢNH: JAPAN DATA SCIENCE CONSORTIUM CO. LTD.

Việc giao hàng lại ngốn tới 200 triệu yên mỗi năm của các hãng vận tải, do lãng phí về nhiên liệu cũng như nguồn lực con người – với cứ mỗi 5 lượt giao hàng, thì lại có 1 lượt trì hoãn do người nhận vắng nhà. Thậm chí, theo nhiều nguồn dữ liệu, có ¼ chặng đường di chuyển của tài xế là do phải giao lại đơn hàng, tiêu phí tới 180 triệu giờ lao động mỗi năm.

Một gã khổng lồ về vận chuyển, Japan Post Co., hiện cũng đang hợp tác với startup Optimind Inc. tại Nagoya để thử nghiệm với thuật toán AI trong việc lên lộ trình vận chuyển. Theo giám đốc Japan Post, ông Yoshihiro Gomi, hệ thống này giúp tài xế không phải lên lộ trình, mà thay vào đó chỉ cần tập trung vào việc di chuyển an toàn, đồng thời giảm yêu cầu về năng lực lao động, do với nó, người mới cũng có thể làm việc hiệu quả tương đương các lái xe giàu kinh nghiêm.

Ở nhiều ngành công nghiệp khác cũng đã bắt đầu xuất hiện AI. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và Trung Quốc mới là các quốc gia dẫn đầu về AI, bỏ xa Nhật Bản. Để khắc phục điều này, chính phủ dưới quyền Abe đã đề ra một mục tiêu đầy tham vọng: tuyển dụng tới 250.000 chuyên gia về AI mỗi năm, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của quốc gia này, giúp Nhật Bản trở lại dẫn đầu về ứng dụng AI trong nhiều ngành nghề.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tập đoàn SoftBank cũng đã hợp tác với Đại học Tokyo vào tháng 12 năm ngoái để thành lập Viện Nghiên cứu Beyond AI, đầu tư 20 tỷ Yên cho việc thúc đẩy nghiên cứu AI tại Nhật Bản.

Nói về khoản đầu tư này, CEO của SoftBank, ông Masayoshi Son đã phát biểu: “Japan còn đi sau thế giới rất xa về AI, song chúng tôi sẽ bắt kịp, và thậm chí là vượt qua họ.”

Teruo Fujii, Phó Hiệu trưởng Đại học Tokyo, lại khẳng định rằng, đại học này có danh tiếng trên toàn cầu về các ngành nghiên cứu cơ bản như toán học và robot học, và mong muốn sẽ giúp Nhật Bản vươn xa hơn trong việc ứng dụng các nghiên cứu về AI.

Hiện tại, AI tiên tiến đang chủ yếu được sử dụng ở những công ty lớn, nhưng sự xuất hiện của chúng tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là không thể phủ nhận.

Một minh chứng cụ thể là Ebiya, một nhà hàng Nhật Bản tại Ise, Mie đã phát triển ra một hệ thống AI có thể dự đoán chính xác 95% số lượng khách hàng sẽ đến nhà hàng, giúp tăng năng suất của nhà hàng 3 lần, tăng lợi nhuận 5 lần, đồng thời giảm số lượng đồ ăn bị lãng phí.

Hệ thống này có thể dự đoán số lượng khách hàng trong vòng 45 ngày sắp tới, thông qua hơn 100 bộ dữ liệu khác nhau, bao gồm dự báo thời tiết, số lượng người qua đường gần khu vực nhà hàng, và thành công tới nỗi chủ tịch doanh nghiệp, ông Haruki Odajima, đã thực hiện kinh doanh riêng trên hệ thống này. Doanh nghiệp được ông thành lập mang tên EBILAB, thực hiện thu phí hàng tháng khi cung cấp hệ thống AI này cho các nhà hàng khác.

Một đầu bếp tại Ebiya đang chuẩn bị thực phẩm cho ngày tiếp theo phỏng theo dự đoán lượng khách hàng chính xác 95% của AI. | ẢNH: EBIYA

Theo Giám đốc Công nghệ của EBILAB, ông Ryuji Tokiwagi, ờ ngành công nghiệp nhà hàng, việc quản lý bằng dữ liệu vẫn còn khá hiếm hoi, và đa số nhà hàng mới đều phải đóng cửa chỉ trong 2 năm đầu.

Còn Odajima lại chia sẻ rằng, ý tưởng cho hệ thống này của ông đến từ chính thất bại của mình trong việc dự đoán lượng khách hàng dựa trên kinh nghiệm và cảm tính.

Lợi ích của việc dự đoán này là vô cùng rõ ràng: Lượng thức ăn lãng phí của Ebiya đã giảm tới 70%, còn việc chuẩn bị cho ngày kế tiếp thì được tối ưu hóa rõ rệt.

Hiện tại đã có tới gần 120 nhà hàng sử dụng hệ thống trên, trong đó nhiều nhà hàng đã nhờ đó vượt qua khó khăn, giảm lãng phí. Đồng thời, có tới hơn 1.000 nhà hàng cũng đang cân nhắc sử dụng công nghệ này, làm cho EBILAB rất vất vả để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng.

Nhà hàng chiếm đa số số lượng startup trên thế giới, nhưng hầu chúng lại đóng cửa trong vòng 10 năm,” Odajima nói. “Ngành công nghiệp nhà hàng cũng thường được nói là ngành trả lương thấp nhất, với hiệu quả thấp nhất. Còn tôi lại hy vọng rằng, với hệ thống này, ngành dịch vụ nhà hàng tại Nhật Bản sẽ khởi sắc trở lại.”

Haruki Odajima | ẢNH: EBIYA

Sau khi bỏ việc tại SoftBank, vào năm 2012, Odajima đã quyết định tiếp quản Ebiya, một doanh nghiệp đã tồn tại tới hơn 1 thế kỷ, lúc đó được điều hành bởi bố vợ. Ông đã thay đổi hoàn toàn hệ thống nhà hàng này, từng sử dụng bàn tính để tính hóa đơn, thành một doanh nghiệp với những công nghệ tiên tiến như bộ cảm ứng và camera.

Vào năm ngoái, Microsoft đã công nhận Ebiya là doanh nghiệp thành công nhất trong việc sử dụng AI trong 2 năm liên tiếp. Còn Odajima thì đang là tâm điểm của sự chú ý, liên tục di chuyển quanh Nhật Bản để phát biểu về phát minh của mình.

Mục tiêu tiếp theo trong AI của ông là vươn ra thị trường toàn cầu.

“Khả năng của ứng dụng này là vô hạn, và tôi đã trực tiếp chứng kiến điều đó,” ông nói. “Hiện giờ tôi cũng đang suy nghĩ về việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.”

Theo The Japan Times

Chúc Anh Chị ngày vui!

X