Được dự báo tăng trưởng chỉ ở mức một con số (theo SSI Research) vào 2020, ngành sữa Việt đang nỗ lực tạo đà tăng trưởng mới bằng cách khai thác tối đa ba xu hướng nổi bật nhằm mở rộng thị trường.
1. Sữa thực vật (Plant-based Milk) lên ngôi
Sữa thực vật là những sản phẩm sữa có nguồn gốc 100% từ thực vật, như ngũ cốc, họ đậu, hoặc rau củ quả. Sử dụng sữa thực vật thay cho sữa động vật đang là xu hướng thịnh hành toàn cầu. Theo BusinessWire, thị trường sữa thực vật thế giới được dự đoán sẽ cán mốc 34 tỷ USD vào năm 2024.
Sáu lý do lớn nhất thúc đẩy người tiêu dùng chuyển từ sữa động vật sang sữa thực vật là (1) cơ thể không dung nạp Lactose hoặc dị ứng sữa, (2) lo ngại về vấn đề thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng, (3) chế độ ăn thuần chay, (4) người bị viêm đại tràng hoặc hội chứng viêm ruột, (6) yếu tố đạo đức. Sữa thực vật cũng được nhận định có hàm lượng chất dinh dưỡng không kém sữa động vật. Trong một so sánh, sữa yến mạch và sữa gạo thậm chí có lượng calories nhiều hơn sữa bò.
Bảng so sánh hàm lượng dinh dưỡng của các loại sữa hạt và sữa bò.
Theo myfitnesspal
Tại Việt Nam, dù chỉ mới bắt đầu rộ lên trong 5 năm trở lại đây nhưng nhóm sản phẩm này có những tăng trưởng tích cực trong cả cung và cầu. “Sữa hạt” đứng thứ ba trong top các chủ đề được thảo luận nổi bật nhất về việc ăn uống lành mạnh năm 2017 tại Việt Nam (Theo YouNet Media).
Các sản phẩm sữa thực vật của TH True MILK
Thị trường sữa hạt bắt đầu tăng tốc khi Vinamilk và TH True MILK bắt tay đầu tư và tung ra các loại sữa hạt đa dạng vào 2018. Trước đó, thị trường cũng đã quen thuộc sản phẩm sữa đậu nành của Vinasoy (thuộc công ty đường Quảng Ngãi). Trong 10 tháng đầu năm 2019, mức tiêu thụ sữa đậu nành của Vinasoy tăng 13% và doanh thu cũng tăng 15% (Nielsen).
2. Sữa cho người cao tuổi được chú trọng
Hầu hết người cao tuổi Việt Nam có các vấn đề về xương, khớp, huyết áp.
Theo Viracresearch 2019
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Cả nước có khoảng 11 triệu người cao tuổi (tương đương 11,95% dân số) vào năm 2017, nhưng con số này dự báo sẽ tăng gấp đôi thành 21 triệu (chiếm 20% dân số) vào 2035. Các nước phát triển phải mất nhiều thập kỷ mới đạt tốc độ này, trong khi Việt Nam chỉ mất chưa tới 20 năm.
Khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho người lớn tuổi gia tăng, thị trường sản phẩm sữa dinh dưỡng cũng bắt đầu khởi sắc. Thị trường sữa bột dành cho người cao tuổi tại Việt Nam đã tăng trưởng đạt mức 11% vào 2019 (theo Viracresearch). Các DN cũng bắt đầu đầu tư nhiều hơn để làm phong phú và đa dạng nhóm sản phẩm này.
Câu chuyện về tình cảm gia đình chân thực trong video của Ensure Gold, thương hiệu được nhiều gia đình Việt tín nhiệm.
Sản phẩm sữa dành cho người lớn tuổi thường có hàm lượng chất béo ít nhưng phải là nhóm chất béo có lợi như acid béo thiết yếu (linoleic và linolenic), cholin và acid oleic giúp hỗ trợ trí nhớ và hạn chế các acid béo no tạo cholesterol xấu, ảnh hưởng đến tim mạch. Sữa cần giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là Canxi để giảm nguy cơ loãng xương ở người cao tuổi. Hương vị thường thanh đạm và ít ngọt.
Một vài thương hiệu sữa cho người cao tuổi quen thuộc gồm có Ensure Gold (Abbott), Vinamilk Sure Prevent, Anlene Gold, Enplus Gold (NutiFood), Nutricare Gold, Nutren Optimum (Nestlé), Cadier Gold…
3. Mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu
Bên cạnh việc chăm sóc thị trường trong nước, các thương hiệu sữa Việt cũng bắt đầu vươn ra thế giới. Kim ngạch xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước năm 2019 đạt giá trị khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng 13,46% so với năm 2018.
Từ 2015, số lượng DN sữa Việt thành công trong việc vươn ra thị trường thế giới đã tăng gấp ba, từ 3 DN vào 2015 lên thành 10 vào 2020. Từ 10 quốc gia tăng thành 50 quốc gia chỉ sau 5 năm.
Theo Chủ tịch HĐQT NutiFood, ông Trần Thanh Hải, cho biết NutiFood đã được thị trường Mỹ chấp nhận, bước tiếp theo DN sẽ bắt tay với Tập đoàn Backahill của Thuỵ Điển để sản phẩm có mặt tại châu Âu. Một số sản phẩm của TH True MILK cũng đã thâm nhập thành công vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc.
Năm 2018 ghi nhận dấu mốc sản phẩm sữa bột NutiFood phân phối tại 300 siêu thị ở Mỹ.
Nguồn: Thuonggiaonline
Thành công nhất trong chiến lược xuất ngoại phải kể đến Vinamilk với danh sách hơn 50 quốc gia, trong số đó có cả những thị trường khắt khe như UAE, Singapore, Trung Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu đến từ thị trường UAE chiếm 75% doanh thu xuất khẩu của Vinamilk.
Thị trường xuất khẩu của Vinamilk trong 3 tháng đầu năm 2020
Nguồn: Viracresearch
Để có được kết quả này, sau khi EVFTA được thực thi vào cuối năm 2018, Vinamilk đã ngay lập tức thành lập mới Khối Kinh doanh quốc tế với mục đích mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk chia sẻ: “Nếu chúng ta làm tốt, giá thành chúng ta hợp lý thì tăng trưởng sẽ ngoạn mục tại thị trường Quốc tế”. Và điều này đã được chứng minh trong những số liệu tích cực gần đây của thương hiệu dẫn đầu ngành sữa Việt.
Vinamilk kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm để xuất vào thị trường Hàn Quốc.
Nguồn: Baohatinh
Sự thành công của Vinamilk là một tín hiệu đáng mừng cho cả ngành, chứng tỏ năng lực của DN sữa Việt cũng như tiềm năng của thị trường ngoại, qua đó “bật đèn xanh” cho các thương hiệu còn lại tăng tốc.
Grace Le tổng hợp