“Lưỡng cư” – Chiến lược thích nghi trong thời đại mới

Khi thảm họa đến, những con khủng long lớn chết đầu tiên, kế đến là những loài không kịp biến đổi để thích ứng. Kinh doanh trong thời khủng hoảng cũng vậy.

Bài viết dựa trên quan điểm của ông Nguyễn Hải Minh – Managing Director, Wisdom Agency


Đại dịch COVID-19 sớm muộn rồi sẽ qua nhưng ảnh hưởng để lại có thể là mãi mãi. Cũng như khủng long tiền sử không lường trước kỷ băng hà sẽ đến, dưới góc nhìn của tôi, chờ đợi mọi thứ khôi phục chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề. Khi không thể thay đổi thực tế, ta buộc phải chấp nhận và có kế hoạch điều chỉnh để thích nghi. Đó cũng là quy luật sinh tồn mà tôi tìm thấy trong lịch sử tiến hóa. Và khi tìm hiểu sâu hơn về sự khắc nghiệt của quy trình chọn lọc, tôi tìm thấy một vài câu chuyện thú vị dưới đây:

Sói biển trong rừng mưa Great Bear (Canada): Để thích nghi khi nguồn lương thực ngày càng khan hiếm, loài sói này đã tự điều chỉnh chuỗi thức ăn của mình sang cá và phát triển khả năng bơi để không chỉ đi săn mà còn thuận tiện cho việc di chuyển giữa các hòn đảo.

 

Mèo câu cá (Nam Á): Khi bắt cá dọc theo mép nước không đủ thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, loài mèo này đã học cách bơi, lặn đường dài để đánh bắt những con mồi xa hơn. Bởi thế, chúng có hình thể to hơn để vật lộn với những con cá có kích thước lớn, ngực to hơn để tăng dung tích phổi và đôi chân ngắn để giữ thăng bằng trong nước.

 

Những gì tôi đang cố gắng nói ở đây là…

Cuối cùng, sói vẫn là sói và mèo thì vẫn là mèo. Thế nhưng dưới áp lực từ ngoại cảnh, chúng đều có thể thay đổi bản năng – từ sợ nước đến bơi vài dặm; thay đổi về thể chất – từ cục bộ cơ thể cho đến hệ thống nội tạng bên trong. Vì vậy trong tự nhiên, biến đổi để thích nghi là cách ứng phó tốt nhất khi môi trường thay đổi. Một cách tương tự, chiến lược này vẫn đúng khi áp dụng vào kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp là một thực thể sống thì khách hàng là “lương thực” và đại dịch COVID-19 chính là yếu tố ngoại cảnh đe dọa đến sự sung túc trong chuỗi thức ăn. Lúc này, để ứng phó với sự khắc nghiệt trong môi trường sống, doanh nghiệp cần có những điều chỉnh thiết thực như: co lại về kích cỡ, giảm thiểu tiêu hao (chẳng hạn như cắt giảm nhân sự), tối ưu nguồn dự phòng hoặc thay đổi về sản phẩm/ dịch vụ để mở rộng chế độ “ăn”… Và hơn hết, marketing phải là chức năng đầu tiên cần “tiến hóa”, đặc biệt là doanh thu của bạn không thể tách rời khỏi quảng bá, truyền thông!

Trong tự nhiên, biến đổi để thích nghi là cách ứng phó tốt nhất khi môi trường thay đổi. Một cách tương tự, chiến lược này vẫn đúng khi áp dụng vào kinh doanh.

Làm thế nào để doanh nghiệp thích nghi với những biến đổi?

Google là một kho tri thức mở mà ta có thể tìm thấy mọi câu trả lời. Thực tế tôi học được nhiều điều từ Google hơn bất kỳ chương trình tiến sĩ nào. Tuy nhiên, để hệ thống hóa những ưu điểm hay lời khuyên dưới nhiều góc độ lại không dễ. Dưới tư cách là một người chủ công ty cũng đang đối mặt với các thách thức chung trong mùa dịch, tôi sẽ thử khái quát những điều cần cân nhắc theo 3 ý dưới đây:

Ngắn hạn – Thay đổi chiến thuật để tồn tại

Trong tự nhiên, chỉ rất ít loài có khả năng ngủ đông hay hồi sinh lại sau một thời kỳ “giả chết”. Thế nên, rút khỏi thị trường hay ngừng kinh doanh không hẳn là lựa chọn sáng suốt tại thời điểm này. Thay vào đó, hãy cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh với chi phí ở mức tối thiểu, chẳng hạn như:

– Cắt giảm chi phí không thiết yếu

– Tối ưu hóa quy trình thu mua

– Tìm cách tối thiểu hóa chi phí vận hành nhưng vẫn duy trì hiệu quả (chẳng hạn như làm việc tại nhà)

– Từ chối những dự án có thể gây áp lực lên công ty như nhân sự, nguồn vốn…

– Giảm giờ làm, và nếu thực sự cần thiết hãy cắt giảm nhân sự

– Với loài mèo câu cá, lần đầu tiên rơi vào nước không phải là một trải nghiệm thú vị, nhưng dần dần nó sẽ học được cách bơi, lặn và bắt cá. Quản trị khủng hoảng cũng vậy. Tránh những bẫy cảm tính ban đầu, bạn sẽ từ từ tìm ra chiến lược ứng phó để bảo tồn “sự sống” cho công ty.

 

Trung hạn – Thay đổi chiến lược để thích nghi

Mục tiêu trung hạn của doanh nghiệp là thích nghi. Hầu hết những sự điều chỉnh cần thiết đều diễn ra trong giai đoạn này. Cũng như loài mèo câu cá, sau nhiều lần vẫy vùng, cuối cùng chúng cũng học được cách bơi và quen với mùi cá, trong thời kỳ dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp, nhân sự mà cả khách hàng đều có bắt đầu có sự sửa đổi về hành vi . Lúc này, để có thể bắt kịp những xu thế, những điều ta có thể làm là:

– Chuẩn bị những quy trình và thủ tục phù hợp trong cả nội bộ lẫn kinh doanh

– Thường xuyên giao tiếp, động viên để nâng tinh thần của nhân sự

– Điều chỉnh sản phẩm/ dịch vụ cung cấp

– Loại bỏ và lựa chọn những phân khúc, nhu cầu thiết thực để đảm bảo tính phù hợp trước sự thay đổi của nhiều yếu tố

– Xác định lại chuỗi giá trị và định vị thương hiệu để phù hợp với nhu cầu mới của thị trường

Trong nửa sau của giai đoạn này, các công ty cần tập trung thiết lập thế mạnh về cả yếu tố vô hình lẫn hữu hình. Những giá trị vô hình có thể là quy trình xuyên suốt, cấu trúc tối ưu hoặc đội ngũ nhân viên với nền tảng kiến thức tốt. Những ưu thế hữu hình có thể là vốn tích lũy, bằng sáng chế hoặc sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Lúc bạn đã hoàn thành xong công việc chuẩn bị cũng là lúc có thể bắt đầu cho giai đoạn tiếp theo.

 

Dài hạn – Thay đổi đại chiến lược để phát triển

Mục tiêu dài hạn mới là sự phát triển. Cũng giống như loài sói biển rèn luyện được một cơ thể dẻo dai sẽ dễ dàng thích nghi với điều kiện mới, khi thị trường dần định hình, những doanh nghiệp “lấy đà” tốt trong giai đoạn trước sẽ ứng biến nhanh hơn. Lúc này, các doanh nghiệp này có thể thay đổi từ thế phòng thủ sang tấn công, từ duy trì ổn định sang chiếm lấy thị phần. Và để đảm bảo ưu thế cạnh tranh trong thời điểm này, mọi sự thay đổi đòi hỏi phải thực hiện thật nhanh!

Những gì chúng ta có thể cân nhắc ở giai đoạn này là:

– Sử dụng những khoản tích lũy thông minh trong giai đoạn trước để mở rộng quy mô

– Chú trọng vào đào tạo nội bộ để nhanh chóng nhân rộng những kỹ năng thiết yếu trong thời đại mới

– Tập trung cho các chiến lược marketing, branding rầm rộ để chinh phục những vị trí tiên phong trong tâm trí khách hàng trước khi đối thủ kịp phản ứng

Đây là một cơ hội mong manh sau mỗi cuộc khủng hoảng bởi lẽ những ông lớn trong thời đại cũ có thể đã lụi tàn, và giờ đây ai nắm bắt nhanh sẽ là người đầu tiên chiếm thế thượng phong.

 

Lời kết

Tôi muốn kết thúc bài viết của mình bằng một khái niệm mới – tính “lưỡng cư” – đặc tính giúp bất kỳ giống loài nào cũng có thể thích nghi trong nhiều điều kiện sống khác nhau. Một lần nữa, chúng ta kiểm tra lại các cuộc cách mạng trong tự nhiên để nhận ra rằng động vật có xu hướng thay đổi môi trường sống của chúng bằng bản năng hoặc bị ép buộc.

Theo tôi, thuật ngữ “cuộc đại di cư” không phải là chỉ sự di chuyển của 6 triệu người Mỹ gốc Phi từ miền Nam Hoa Kỳ đến một phần khác của đất nước giai đoạn 1916-1970, mà nó nên được dùng cho cuộc di cư đầu tiên của động vật từ biển đến đất liền 400 triệu năm trước. Kể từ đó, các loài động vật bao gồm cả loài người chúng ta tiếp tục chinh phục các lãnh thổ mới, bầu trời, không gian bên ngoài của vũ trụ hoặc như một số loài, chúng đã quyết định quay trở lại nơi tất cả chúng ta bắt đầu – biển cả. Và tôi gọi tất cả những loài vật này là “động vật lưỡng cư”.

Trong bối cảnh kinh doanh, đó là khả năng vận hành hài hòa trong môi trường thực tế và trên thế giới số (Digital). Đại dịch COVID-19 ập đến như một minh chứng cho điều này, chuyển sang làm việc trên mạng Internet không phải là một sự lựa chọn mà là điều bắt buộc. Tôi định nghĩa những công ty có thể chuyển đổi nhanh chóng và vận hành trơn tru trên bất kỳ nền tảng nào trong tình huống này là các “công ty lưỡng cư”. Và trong tương lai khi ranh giới giữa thực tế và môi trường ảo ngày càng thu hẹp, những “công ty lưỡng cư” sẽ dần dần thay thế những tên tuổi lớn!

* Nguồn: Wisdom Agency

Chúc Anh Chị ngày vui!

X