Kinh doanh ế ẩm, không ít tiểu thương “chợ nhà giàu” tại TPHCM tìm cách tháo chạy, từ sang sạp, cho thuê đến trả mặt bằng… bởi nếu “cố ôm” sẽ chết vì nợ.
Trả quầy, sang sạp
Trưa 14/7, chúng tôi có mặt tại chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM). Khung cảnh buồn hiu hắt qua từng ô sạp. Chỉ ngành hàng thực phẩm, trái cây là có vài bóng khách đến hỏi giá, lựa chọn; còn lại các quầy quần áo, đồ khô, vải vóc, hàng lưu niệm… đều vắng hoe người mua sắm.
Phủi bụi từng tấm phù điêu, bộ tượng chế tác từ sành, gốm…, bà Ba Minh (tiểu thương quầy gia dụng, lưu niệm) thở dài: “Buôn bán ở đây hơn nửa đời người, chưa bao giờ tôi thấy chợ Bến Thành ế ẩm như lúc này. Chợ hơn 1.000 quầy sạp mà giờ chưa tới 50% quầy mở bán, người mua cũng không mấy ai”. Bà Minh kể, gia đình bà có nhiều người buôn bán ở chợ, nhưng từ sau dịch COVID-19 tới giờ, họ tìm cách trả mặt bằng, treo biển sang sạp vì quá sức chịu đựng, không thể cầm cự để chờ đợi được nữa.
Cửa Đông, cửa Bắc… chợ Bến Thành, cả trăm quầy sạp cửa đóng then cài, gắn biển cho thuê. Theo tiểu thương chợ, trước đây, 1m2 quầy sạp có giá tầm 30 triệu đồng/tháng, tùy theo “mặt phố” hay “hóc hẻm”, giá thuê có thể dao động tăng giảm đôi chút. Giá ngất ngưởng nhưng muốn thuê cũng không có. Còn giờ thì “bao la”, giá mềm hơn, vậy mà chẳng thấy khách nào ngỏ lời.
Liên lạc với số điện thoại dán ngoài cửa hiệu để hỏi giá thuê, người phụ nữ giới thiệu tên Lê mừng rơn: “3 sạp mặt tiền có giá 4.500 USD/tháng (hơn 100 triệu đồng), em có thể thuê hết hoặc thuê lẻ cũng được. Ở đó có thể kinh doanh giày dép, túi xách rất thuận lợi. Chị đang cần tiền nên muốn cho thuê gấp. Nếu em ký hợp đồng một năm, đặt cọc trước 2 tháng, chị sẽ giảm 10% giá thuê; ký 2 năm chị bao luôn thuế phí…”.
Tại một khu chợ “nhà giàu” khác là Sài Gòn Square (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TPHCM), nhiều quầy, sạp không thoát cảnh “ế”, phải dán bảng cho thuê. Mặc dù đang kinh doanh quần áo nhưng khi chúng tôi hỏi thuê quầy, ông Kỳ Tâm (tiểu thương quầy thời trang) cho biết sẽ sẵn sàng cho thuê. “Đây là quầy đôi, diện tích khoảng 3-4m2, giá thuê 70 triệu đồng/tháng, chưa tính phí quản lý là 18,6 triệu đồng/tháng và hơn 2 triệu đồng tiền thuế. Kinh doanh ở đây “bao ngon”, mỗi lần công ty du lịch đưa đoàn khách nước ngoài tới, bán hàng cả trăm triệu đồng/ngày là bình thường” – ông Tâm nói. Cũng theo ông Tâm, sắp tới có du khách, thành phố nhộn nhịp trở lại, lúc đó việc buôn bán sẽ tốt hơn nhiều.
Một số quầy rao cho thuê tại chợ Tân Định (Q.1), An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6)… với lý do sức khỏe, nhà neo người… Thế nhưng theo bà Bình, một tiểu thương có hơn 40 năm kinh doanh ở chợ An Đông thừa nhận, do quá ế ẩm, không chịu nổi gánh nặng chi phí nên người ta mới cho thuê, sang nhượng chứ không dưng tự nhiên người ta nhường chén cơm ngon cho mình! Chính bà Bình cũng thừa nhận đang tìm cách “tháo chạy”, nhưng chạy đi đâu thì… chưa biết. “Cả đời gắn bó với chợ, nay về vườn không biết làm gì sống” – bà Bình bộc bạch.
Nguy cơ vỡ nợ
Từng tự hào là tiểu thương VIP vì có quầy hàng ở chợ nhà giàu, giao dịch với khách ngoại, hàng hóa tính bằng ngoại tệ; thì nay, những “hào quang” ấy lại đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với không ít tiểu thương.
“Ngoài sạp kinh doanh đồ lưu niệm, tôi còn có quầy kinh doanh hàng tạp hóa, chuyên cung cấp cho nhà hàng khách sạn các loại xà bông, bàn chải, khăn tắm… Từ khi có dịch COVID-19, nhà hàng khách sạn lâm cảnh ế ẩm vì không có khách nước ngoài, họ cũng không lấy hàng mình nữa khiến kinh doanh lao đao. Mỗi ngày mở mắt ra là bao nhiêu khoản tiền đổ lên đầu” – bà Ba Minh nói. Theo đó, tiền thuê mặt bằng chưa tới 1m2 cùng với thuế, phí, … ngót ngét hơn 25 triệu đồng/tháng. Trong khi hiện nay, cả ngày buôn bán không được là bao. “Toàn tiền vay mượn đầu nọ đắp đầu kia cả, vay nóng vay nguội, lãi mẹ đẻ lãi con… Nếu cứ tình trạng này, nguy cơ vỡ nợ khó tránh khỏi” – bà Minh lo lắng.
Thấy có bóng khách, ông Trần Hiền (chủ sạp vải chợ Bình Tây, Q.6, TPHCM) nhiệt tình chào mời, giới thiệu hàng mới nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu lịch sự. Ông buồn tênh kể, hơn 2 tháng mở lại hàng mà chỉ bán được hơn chục khách. “Quầy hàng này là “nồi cơm” của cả gia đình 5 người, là tiền học của các con. Thế mà nay, tất cả bí rị, đóng băng hết! Nhiều ngày nay không có một đồng doanh thu, công việc hết sức khó khăn. Tôi đang rao cho thuê lại quầy, sang hết hàng hóa, mối lái mà chưa thấy ai hỏi”, ông Hiền cho biết.
“Ngáp ruồi” chờ khách, chị Thường, chủ quầy trái cây Trung Linh (chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh,TPHCM) cho hay, doanh thu giảm rất sâu so với trước thời điểm nghỉ dịch COVID-19. “Bình thường tôi bán khoảng 4-5 triệu đồng/ngày, giờ chưa tới 1 triệu đồng. Trái cây mình bao tiêu của nhà vườn, trả tiền trước nên có ế ẩm cách mấy cũng phải bán, nếu không thì sạt nghiệp” – chị Thường ngao ngán.
Bà T.A (chủ 4 quầy kinh doanh quần áo, mỹ phẩm chợ Tân Định, Q.1) cho hay, đã cầm sổ hồng cho ngân hàng vì các khoản vay nóng “khủng bố” tinh thần. “Trước Tết, tôi có vay nóng khoản tiền lớn để nhập hàng. Đinh ninh chuyện kinh doanh như trước, mình dư sức trả nợ. Không ngờ dịch bệnh đổ xuống, hàng hóa ứ đọng, bạn hàng trả hàng hoặc từ chối nhận đơn mới. Tiền vay lãi mẹ đẻ lãi con, tôi không còn khả năng trả đúng hẹn… Bứt bí lắm mới bàn với chồng đem giấy tờ nhà đi thế chấp. Sắp tới, nếu không trả lãi ngân hàng, nguy cơ mất nhà, ra đường ở” – bà A. nói và cho biết, cả đời bán buôn không ngờ lại có ngày kiệt cùng như hôm nay.
♣♣♣
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, thành phố hiện có 238 chợ, trong đó có 235 chợ truyền thống. Mới đây, Sở này đã trình UBND TPHCM giải pháp hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tiểu thương. Hai phương án được đề xuất là miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ (áp dụng 3 tháng, từ tháng 4-6/2020) hoặc giảm 50% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ (áp dụng 6 tháng, từ tháng 4-9/2020). Nếu đề xuất được thông qua, chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp rất nhiều tiểu thương “dễ thở” hơn trong giai đoạn khốn khó.
Theo Uyên Phương
Tiền phong