Phát triển kinh tế ban đêm, kích cầu du lịch

Phát triển các mô hình “thành phố du lịch không ngủ” như một giải pháp kích cầu du lịch và kinh tế địa phương.


Nền kinh tế khổng lồ

Du lịch Việt Nam và Đà Nẵng nói riêng đang sụt giảm du khách do ảnh hưởng của đại dịch. Theo Tổng Cục Du lịch, Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những giải pháp kích cầu du lịch là thúc đẩy vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm. Đây cũng là nội dung của toạ đàm mà Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp Sun World và hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Đà Nẵng cơ bản là chưa có kinh tế ban đêm mà chỉ hoạt động giới hạn về đêm, chỉ đến 10 hay 11 giờ, mà theo luật, nhiều địa điểm phải đóng cửa vào 12 giờ đêm. Vì thế, các thành phố như Đà Nẵng đang tồn tại một nghịch lý là du khách rất hào hứng với việc tham quan, vui chơi tại Thành phố ban ngày nhưng lại không có nhiều lựa chọn để vui chơi, giải trí về đêm, thiếu các hoạt động dịch vụ, ảnh hưởng đến số ngày lưu trú của khách còn thấp.


Nền kinh tế ban đêm của Đà Nẵng chỉ hoạt động đến 10-11 giờ

“Ở Việt Nam, hiện nhiều địa phương lớn đã thấy có hơi hướng kinh tế ban đêm như phố Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM hay khu vực phố cổ Hà Nội, còn Đà Nẵng thì chưa nhiều được như vậy. Nói vậy để thấy, tính riêng ở Việt Nam thôi thì Đà Nẵng đã đi sau rồi. Nếu mà so với thế giới còn là đi sau nữa”, PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định.

Trước năm 2050, hơn 80% dân số thế giới sống tại TP, tạo áp lực và cơ hội lớn. Để nuôi sống và đảm bảo chỗ sống cho cư dân đô thị, nâng cao hay đào sâu hơn “thành phố không đủ”, còn phải biết sử dụng thời gian thông minh hơn. Kinh tế ban đêm nghĩa là thêm “một nền kinh tế”, làm thay đổi sâu sắc cấu trúc phát triển đô thị.

Trên thế giới, kinh tế ban đêm đang trở thành một nền kinh tế khổng lồ và có sức hấp dẫn vô cùng lớn. Chẳng hạn, ở “thành phố không ngủ” New York, kinh tế ban đêm đóng góp hơn 10 tỉ USD mỗi năm vào nền kinh tế chung của thành phố. Con số này ở Anh là 80 tỉ USD, Úc là 70 tỉ USD, Nhật là 3,7 tỉ USD.

Các thành phố du lịch nổi tiếng nhất thế giới đều phát triển mạnh kinh tế ban đêm như Pattaya, New York, Macau, London… Đây đều là những thành phố nằm trong top 10 thành phố thu hút nhiều du khách nhất; đặc biệt nổi tiếng với phố ẩm thực, shopping, giải trí hoạt động thâu đêm.


New York – thành phố không ngủ
Ảnh: Internet

Có thể thấy rất nhiều ưu thế khi phát huy được nền kinh tế ban đêm. Chẳng hạn, sử dụng thời gian đêm muộn là cách thức thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo (nhờ hoạt động văn hoá nghệ thuật, lao động trí tuệ sáng tạo hay làm việc ban đêm.

Các thành phố hoạt động về đêm tạo ra nền kinh tế hoạt động liền mạch 24 giờ, thúc đẩy kinh tế ban ngày.

Qua đó, xây dựng chân dung đô thị mới: thân thuộc và thân thiện hơn, nhiều hoạt động văn hoá, nhiều ánh sáng, an ninh và an toàn. Thúc đẩy sự hình thành các đô thị mới và các cơ hội lớn cho bất động sản – bất động sản du lịch phát triển.

Tận dụng thời cơ

Mặc dù vậy, kinh tế ban đêm tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực về đô thị và xã hội (bạo lực, ma tuý, tội phạm, ô nhiễm tiếng ồn, giao thông và nhiều vấn đề khác. Các ngành công nghiệp giải trí ban đêm bị chi phối bởi các giao dịch tiền mặt và thế giới ngầm. Lĩnh vực này thiếu dữ liệu cơ bản, khó thiết kế chính sách quản lý điều hành hiệu quả. Kinh tế ban đêm dễ khiến giới trẻ đua đòi lai căng, lăng nhăng, rối loạn, và lệch lạc văn hoá…

Vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu và ở Việt Nam nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải là cho riêng Đà Nẵng. Tuy nhiên, với những thế mạnh riêng có, Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế ban đêm. Đà Nẵng đang trở thành một địa chỉ du lịch có tên tuổi quốc tế với nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch, hệ thống hạ tầng, văn hoá thân thiện, ẩm thực phong phú…


“Để tận dụng thời cơ, lúc này cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế ban đêm bài bản và tổng thể chứ không phải đến đâu hay đến đấy”, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho biết. Theo ông, cần cho địa phương quyền chủ động hơn, Trung ương phải mở thoáng, địa phương phải chủ động. Các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm là các loại hình rất khác nên ta phải có sự chuẩn bị; các hiệp hội du lịch, công ty du lịch phải phát triển các loại hình, sản phẩm thành các chuỗi. Thứ hai là các điều kiện bảo đảm, trong đó đặc biệt là bảo đảm về hạ tầng và khung pháp lý về kinh tế ban đêm.

Trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu COVID-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu và số ngày lưu trú của du khách khi đến Đà Nẵng. Theo ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương hoàn thiện dịch vụ khu phố du lịch An Thượng, tổ chức thí điểm chợ đêm 24/7 tại các khu vực bãi biển phố du lịch; tổ chức phố đêm Bạch Đằng, kêu gọi dịch vụ giải trí đêm…

Với các điểm đến như Sun World Ba Na Hills, Công viên Châu Á, SKY36 có hoạt động giải trí về đêm mới mẻ và độc đáo, du lịch Đà Nẵng sẽ có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh so với những điểm đến khác trong cuộc đua kích cầu hiện tại, đồng thời góp phần gia tăng nhiều trải nghiệm mới khác lạ, giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích mua sắm của du khách đến Đà Nẵng.

Lê Hoàng
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Chúc Anh Chị ngày vui!

X