“Thế cờ EVFTA” của hàng hiệu

Trong khi EVFTA mang lại nhiều kỳ vọng cho dệt may xuất khẩu, các thương hiệu thời trang trong nước lại có thêm nhiều nỗi lo.


3 thương hiệu thời trang nước ngoài H&M, Zara và UNIQLO đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và bước đầu có nhiều thành công. Cả 3 án ngữ tại 2 trung tâm thương mại Vincom và Parkson ngay trung tâm TP.HCM luôn nhộn nhịp khách qua lại.

Hàng hiệu ngoại thắng thế

Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam Osamu Ikezoe cho biết, trong 3-5 năm tới, UNIQLO sẽ nhanh chóng mở rộng cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam là quốc gia mang lại giá trị sản xuất lớn cho UNIQLO, với 3 tỉ USD hàng hoá được sản xuất mỗi năm để xuất khẩu đi nhiều nước. Hoạt động sản xuất của UNIQLO chủ yếu tại Trung Quốc, nhưng đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ.

Trong khi đó, ông Fredrik Famm, Giám đốc Điều hành H&M khu vực Đông Nam Á, dự kiến Việt Nam trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu. H&M sau 2 năm kinh doanh tại Việt Nam đã mở 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Năm 2019 H&M đạt doanh thu tương đương với gần 1.100 tỉ đồng tại Việt Nam, tăng 60% so với năm 2018.

Theo Statista (Đức), quy mô thị trường thời trang Việt Nam năm 2019 ước đạt 5,6 tỉ USD, dự kiến trong giai đoạn 2019-2023 sẽ đạt mức tăng trưởng 8,8%/năm. Con số này phần nào cho thấy cơn khát hàng hiệu thời trang của người Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên cùng với đà tăng trưởng của kinh tế tiêu dùng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group – IPPG), cho biết ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi lớn vì thuế quan hàng hoá từ Châu Âu vào Việt Nam sẽ giảm mạnh. Lâu nay, hàng thời trang Châu Âu vào Việt Nam phải chịu thuế ít nhất 30% chưa kể 10% VAT. Trong khi những thị trường khu vực như Singapore, Hồng Kông là 0%. Điều này khiến cho du khách, cả người Việt trước đây đều bay sang các nước để mua sắm hàng hiệu.


Trong những nhóm hàng về dệt may và da giày, lộ trình thuế về 0% phải mất từ 3-7 năm, ngoại trừ mặt hàng túi xách ngay lập tức sẽ có thuế về 0%. Nhưng viễn cảnh các thương hiệu thời trang nước ngoài tràn ngập thị trường trong nước khi dỡ bỏ rào cản thuế là không còn xa xôi.

Zara, H&M hay UNIQLO nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt Nam và tiếp tục bỏ xa những chuỗi thời trang nội. Thực tế cho thấy những chuỗi thời trang đình đám một thời như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT 2000, Việt Thy… đang phải thu hẹp dần hoặc chuyển đổi kinh doanh. Dịch bệnh lây lan khiến ngành thời trang nội càng khó khăn hơn. Thị trường hiện nay chỉ còn vài cái tên của nhà đầu tư Việt Nam có chuỗi cửa hàng như IVY moda, Canifa, Hnoss…

Bà Cổ Huệ Anh đã bán lại thương hiệu Hnoss để gia nhập Seedcom với lý do: “Các thương hiệu thời trang tầm trung, có đâu đó vài chục cửa hàng, nếu không bán thì sẽ chết”. Hnoss nhận đầu tư để làm một cách bài bản và gia tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Cơ hội thay đổi tình thế

Mặc dù vậy, từ góc độ kinh doanh hàng hiệu, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng: “Trong 3 năm nữa, Việt Nam sẽ có những khu mua sắm phi thuế quan – Factory Outlet. Những khu mua sắm này cực kỳ quan trọng bởi đấy là sức hút của ngành du lịch Việt Nam, có thể đón cả trăm triệu lượt khách mỗi năm. Người Việt sẽ không phải bay sang nước khác để mua sắm hàng hiệu nữa”.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sông Hồng, đánh giá, trong lĩnh vực dệt may, nếu các nhà xuất khẩu tận dụng được nguồn nguyên liệu sản xuất ở Việt Nam, họ có thể hưởng lợi và gia tăng xuất khẩu vào Châu Âu.

Chẳng hạn, thương hiệu thời trang Giovanni được lợi ích từ việc mang nguyên phụ liệu của nước Ý, của EU đến Việt Nam sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu trở lại thị trường EU. Điều này giúp Giovanni được hưởng ưu đãi thuế quan đến 2 lần.

Ông Lương Hữu Lâm, Giám đốc Thương hiệu Giovanni Group, cho rằng, EVFTA sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu từ Châu Âu với mức giá và thuế cạnh tranh. “Viễn cảnh xa hơn, Việt Nam sẽ có cơ hội định vị thương hiệu thời trang về dệt may, da giày ở phân khúc cao cấp trên thế giới, chứ không chỉ là quốc gia chuyên gia công như hiện nay”, ông Lâm nhận định.


Ảnh: Quý Hoà

Theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua đã có kinh nghiệm gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới. Vì vậy, chất lượng của nhiều thương hiệu Việt không quá chênh lệch. Xu hướng các thương hiệu lớn trên thế giới đổ bộ vào Việt Nam sẽ tạo áp lực lớn cho các nhà sản xuất thời trang trong nước, buộc họ phải thay đổi theo hướng đa dạng hoá sản phẩm phục vụ mọi phân khúc, từ cao cấp đến bình dân.

Riêng trong mảng cao cấp, để tồn tại, các nhà sản xuất dệt may trong nước buộc phải có thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh. Ðại diện Euro Charm khuyến nghị, các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn.

Việc cải tổ chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu đang gây ra những thay đổi rất lớn trong ngành thời trang. Đây cũng là cơ hội vàng của các thương hiệu thời trang trong nước nếu họ biết tận dụng cơ hội hiếm hoi này để thay đổi tình thế.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Chúc Anh Chị ngày vui!

X