Thời điểm để doanh nghiệp tái cơ cấu, sẵn sàng tăng tốc

Thay vì hoang mang ngồi chờ dịch đi qua thì nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ “sức đề kháng” bằng nhiều giải pháp thích nghi với thị trường.


Đại dịch COVID-19 đã và đang mang đến nhiều biến cố và thử thách chưa từng xảy ra trong lịch sử. Số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, có khoảng 9.000 người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19.

Cố gắng 120%

Thời điểm này, các doanh nghiệp gặp vô vàn những khó khăn và cũng là thời khắc sinh tồn khi phải lựa chọn thích nghi hay bỏ cuộc. Nhưng, thay vì hoang mang ngồi chờ dịch đi qua thì nhiều doanh nghiệp đã hành động để thích nghi và sống sót trong khủng hoảng. Họ chọn nhìn về hướng sáng khi đứng trước bức tranh với nhiều gam màu trầm của kinh tế hiện nay.

 

Dịch COVID-19 được coi là “phép thử” với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Ảnh: VOV

Để vượt qua khủng hoảng và đối phó với tác động “kép” của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán giải pháp thích nghi, phương án kinh doanh khác thay thế. Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Cụ thể, trước dự báo nguồn nguyên liệu có thể thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ứng phó bằng cách chia sẻ đơn hàng và nguồn nguyên liệu dự trữ để có thể duy trì sản xuất trong tháng 4 và tháng 5, đồng thời, tích cực tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế.

Một số thương hiệu may mặc xuất khẩu lớn như: May 10, Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Phong Phú… cũng xoay sở tình thế để không phải ngưng hoạt động trong mùa dịch bằng cách tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, mặt hàng đang có sức mua rất mạnh trong thời điểm hiện nay.

Về phía doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng hóa thiết yếu, đại diện Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đã chủ động xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch bệnh tại hệ thống chuỗi bán lẻ.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thiết lập không gian mua sắm an toàn với 3 tuyến phòng dịch nghiêm ngặt, đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Đồng thời, triển khai các giải pháp bán hàng online và đặt hàng qua điện thoại, đảm bảo cung cấp hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện tới khách hàng…

Mới đây, trên trang cá nhân của một thành viên đồng sáng lập The Coffee House chia sẻ: “Trong thời điểm sinh tồn, càng phải tử tế và dũng cảm để mọi thứ bớt khó khăn hơn”. Vị quản lý này cho rằng, để doanh nghiệp sinh tồn trong đại dịch thì bản thân những người đứng đầu nên cố gắng 120% sức mình để tạo thêm nhiều giá trị mới nữa.

Cuộc sống vẫn luôn vận động, nhiều doanh nghiệp đã không dừng lại, họ luôn nỗ lực vươn lên và thích nghi với hoàn cảnh. Có thể thấy mảng thương mại điện tử mới đây cũng tung ra những chiêu miễn phí giao hàng. Tiki bỏ ra 39 tỷ đồng hỗ trợ chiến dịch, Shope, Sendo cũng có những gói giao hàng miễn phí trong các khung giờ khác nhau…

Sẵn sàng tăng tốc

Nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ “sức đề kháng” của mình bằng cách tính toán phương án kinh doanh khác thay thế. Song song với đó, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tích cực xúc tiến tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

 

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã và đang là “phép thử” với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với những doanh nghiệp có cách thức làm việc bài bản, chuyên nghiệp thì đây sẽ là thời điểm để tái cơ cấu các vấn đề về quản trị nội bộ, những vấn đề chiến lược, rà soát lại bạn hàng, đưa doanh nghiệp lên nền tảng công nghệ 4.0, thương mại trực tuyến… Đồng thời, tái cơ cấu bộ máy về tài chính, xem xét lại các nguồn thu, chi để có cách quản lý hiệu quả, hợp lý.

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Phong, dịch COVID-19 là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại năng lực phản ứng thị trường của mình cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường khi hoàn cảnh thay đổi, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn liền với dịch bệnh. Điều đó thể hiện khả năng duy trì được các mối quan hệ, thương lượng với đối tác cũng như khả năng phản ứng trước các kịch bản, gây đứt gãy chuỗi cung ứng không mong muốn; Từ đó rút ra những bài học cũng như định hướng và giải pháp mới trong vấn đề đa dạng hóa thị trường, giao kèo, ký kết hợp đồng và thương thảo hợp đồng.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Chúc Anh Chị ngày vui!

X