Amazon và hệ thống phân phối “tên lửa”

Amazon là một “kẻ phá bĩnh” với sự kết hợp giữa công nghệ và chiến lược. Chuỗi cung ứng của Amazon lao tới tương lai như một chiếc tên lửa, bắt đối thủ phải chật vật bám theo nếu không muốn phá sản.

Amazon – Tương lai của bán lẻ

Amazon nổi lên như một thế lực mới trong ngành bán lẻ với doanh thu hơn 100 tỷ USD chỉ trong 20 năm thành lập, đồng thời là công ty đầu tiên có tốc độ kỷ lục này.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, Amazon là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho chức danh “Công ty nghìn tỷ USD” đầu tiên trên toàn cầu.

Và đằng sau con đường phát triển từ trang web bán sách trên mạng thành thế lực có sức thay đổi cả ngành bán lẻ thế giới là một Chuỗi cung ứng cực kỳ sáng tạo và đầy hiệu quả.

Nỗ lực giao hàng với tốc độ nhanh nhất có thể và lý tưởng “không lợi nhuận” của Amazon đã đè bẹp tất cả đối thủ trên đường đi của gã khổng lồ này, đồng thời thay đổi cả cách quản lý Chuỗi cung ứng “cứng nhắc” biết bao năm nay.

Chiến lược giao hàng “tên lửa”

Vào năm 2005, Amazon mở dịch vụ Amazon Prime với cam kết giao hàng chỉ trong 2 ngày đối với hàng trăm ngàn sản phẩm, đổi lại một khoản phí hàng năm.

Trên thực tế, khả năng giao hàng chỉ trong 2 ngày là một điều không có đối thủ nào cam kết được vào thời bấy giờ, qua đó giúp Amazon lập tức trở thành một thế lực trong ngành Thương mại điện tử.

Cho đến khi các đối thủ “chật vật” đuổi kịp và bắt đầu cho ra mắt dịch vụ giao hàng trong 2 ngày để cạnh tranh với Amazon, gã khổng lồ này dường như đã dự đoán được và thay đổi cục diện ngay sau đó với dịch vụ giao hàng trong 1 giờ: Amazon Prime Now.

Không những nhanh mà còn rẻ, Amazon còn miễn phí hàng loạt dịch vụ giao hàng, trong đó có hàng ngàn sản phẩm được giao miễn phí chỉ trong 2 giờ, khiến các đối thủ có “vắt giò lên cổ” cũng không bao giờ đuổi kịp.

Chuỗi cung ứng Amazon

Chuỗi cung ứng của Amazon khá đặc thù do hàng hóa đa phần không nằm trong kho “chính chủ” Amazon. Hiện có đến 82% sản phẩm trên website Amazon đến từ các đối tác thứ ba với tổng doanh thu lên đến 22,9 tỷ USD vào năm 2016.

Nhưng đối với các dịch vụ giao hàng trong ngày hay giao hàng một giờ, Amazon luôn tự đứng ra vận hành nhằm đảo bảo chất lượng cam kết.

Amazon còn chủ động mở hàng loạt kho hàng khổng lồ để cung cấp nhiều sự lựa chọn vận chuyển cho khách hàng. Vận chuyển theo dịch vụ Prime, gửi hàng một ngày, tiết kiệm hoặc miễn phí… Tất cả đều được sắp xếp từ những kho hàng phù hợp nhất để đảm bảo chất lượng và chi phí vận hành của Amazon.

Hiện Amazon đã sở hữu hơn 70 trung tâm phân phối với hơn 90.000 nhân viên toàn thời gian. Và để đạt được hiệu quả, Amazon còn “cố tình” bố trí hàng loạt kho hàng chiến lược xung quanh các khu vực đô thị đông dân nhất. Cả vị trí, kích thước, số lượng… đều được tính toán kỹ lưỡng nhằm đem lại hiệu quả cao.

Để gia tăng tốc độ xử lý đơn hàng, mỗi kho Amazon được chia thành 5 khu vực khác nhau. Thứ nhất là kho sách báo, một trong những thế mạnh “bất hủ” của gã khổng lồ. Tiếp theo là khu vực chứa hàng cồng kềnh với nhu cầu cao (tivi, máy giặt, máy lạnh…).

Tiếp đó cũng là khu vực sản phẩm có nhu cầu cao nhưng với kích thước nhỏ. Kho hàng thứ 4 dành riêng cho hàng hóa có đóng gói “bất thường” hoặc có nhu cầu thấp. Và cuối cùng là khu vực hàng hóa có nhu cầu tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Những nỗ lực “nâng cấp” khả năng giao hàng đồng thời biến Amazon trở thành một thế lực trong ngành vận tải, với đội xe khổng lồ, hợp đồng chiến lược với nhiều công ty lớn và đội ngũ quản lý cấp cao trên thị trường.

Nhờ những đặc trưng trên, Amazon được chuyên gia đánh giá là một trong những công ty kết hợp tài tình cả chiến lược kéo và chiến lược đẩy trong kinh doanh. Với các sản phẩm được dự đoán có nhu cầu thu mua cao được “đẩy” tới các kho hàng của Amazon nằm gần khu vực đô thị.

Ngoài ra, Amazon còn “kéo” nhu cầu thực tế của thị trường vào hàng triệu sản phẩm được cung cấp bởi các đối tác bán hàng bên thứ 3. Phối hợp hài hòa giữa giá thành thấp của “đẩy” do sản xuất hàng loạt, và mức độ thỏa mãn cao của “kéo” do nhu cầu khách hàng luôn được đáp ứng, Amazon trở thành nơi mua sắm đầu tiên mà mọi người nghĩ đến.

Tự động hóa

Vào năm 2015, Amazon Robotics được ra đời với hàng loạt robot hỗ trợ vận chuyển và đóng hàng mà không cần bất kì sự hỗ trợ từ con người nào.

Chỉ trong vòng một năm, với lợi thế về tốc độ của mình, Amazon đã nhanh chóng đưa vào ứng dụng hơn 15.000 robot. Số lượng robot còn tăng lên tới 45.000 vào tháng 1 năm 2017, báo hiệu cuộc “xăm lăng” của binh đoàn robot vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Vào năm 2013, CEO Jeff Bezos thông báo rằng Amazon còn muốn đưa tự động hóa lên một tầm cao mới với dịch vụ Amazon Prime Air, sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển những gói hàng dưới 2,5 kg trong bán kính 16 km quanh trung tâm xử lý đơn hàng.

Tuy ai cũng tưởng đó chỉ là một “chiêu PR”, nhưng Amazon lại liên tục tung ra các nguyên cứu, thử nghiệm và xin cấp phép cho dịch vụ này. Thậm chí vào tháng 11 năm 2017, Amazon còn công bố rằng máy bay không người lái sẽ được cài đặt chế độ tự hủy để bảo vệ người dân nếu cần thiết.

Trên thực tế, Amazon còn xin bảo hộ bằng sáng chế cho cả “tháp” máy bay không người lái và xe lửa với toa đặc dụng để máy bay không người lái có thể cất cánh khắp mọi nơi. Với bước đi này, Amazon một lần nữa khẳng định rằng mình sẽ vận dụng tất cả công nghệ hiện có để duy trì vị trí dẫn đầu thị trường của mình.

Lấn sân qua sản xuất

Không chỉ phân phối và bán lẻ, Amazon còn bắt đầu sản xuất hàng loạt sản phẩm, từ pin, ba lô, loa thông minh, sạc iPhone … và danh sách đó còn sẽ được mở rộng trong tương lai sắp tới.

Hiểu rằng rất nhiều sản phẩm được bán từ bên thứ ba có thể được sản xuất với giá thành thấp hơn, Amazon với khả năng tài chính vững mạnh và dữ liệu thị trường khổng lồ tự tin “lấn sân” sang lĩnh vực sản xuất.

Với lợi thế về kinh tế quy mô và khả năng quản lý Chuỗi cung ứng tuyệt vời của mình, Amazon cho ra đời vô số sản phẩm với giá thành “rẻ bèo” so với đối thủ trên thị trường.

Kết quả là Amazon không chỉ nhanh chóng chiếm được thị trường mà còn gia tăng sự hài lòng của những khách hàng, hoàn toàn “đè bẹp” những nhà sản xuất trên đường phát triển.

Kết luận

Tốc độ sáng tạo của Chuỗi cung ứng Amazon là có một không hai, vừa rút ngắn thời gian, vừa tiết kiệm chi phí vận hành, Amazon liên tục thiết lập tiêu chuẩn cho ngành và đẩy tất cả đối thủ còn lại ra bờ vực phá sản nếu họ không bắt kịp.

Một tay Amazon đã thúc đẩy quá trình tự động hóa của toàn ngành Chuỗi cung ứng và bán lẻ, gia tăng mức độ cạnh tranh của thương mại điện tử và còn “ép” các nhà sản xuất phải hoạt động hiệu quả hơn.

Không chỉ dẫn đầu ở mặt trận online, việc thu mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods, công ty dược PillPack, hay thậm chí là mảng bảo hiểm hàng hóa và chăm sóc sức khỏe … nhấn mạnh tham vọng thống trị bằng công nghệ và chuỗi cung ứng của gã khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra là, liệu còn đổi thủ nào có thể ngáng “bước sải” của Amazon?

Lê Thanh Sang
* Nguồn: Trí thức trẻ

Chúc Anh Chị ngày vui!

X