Bí kíp quản trị của các tập đoàn tỷ đô Thái Lan

Để bứt phá trong tương lai, các doanh nghiệp Việt luôn phải bám sát vào nhu cầu – xu hướng tiêu dùng của khách hàng và đầu tư thích đáng cho công nghệ.

“Công nghệ sẽ là yếu tố mấu chốt giúp các doanh nghiệp bứt phá để thành công trong tương lai. Tuy nhiên, quy trình đúng phải là: quan tâm tới nhu cầu của khách hàng trong tương lai, xu hướng tiêu dùng; sau đó nghĩ ra mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng đó, rồi chuẩn bị cơ sở hạ tầng, con người, kiến thức, công nghệ… để có thể vận hành mô hình đó một cách suôn sẻ nhất”, bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO WHA Corporation PCL chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh Forbes 2018.

Bà Jareeporn Jarukornsakul – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO WHA Corporation PCL

WHA là tập đoàn đa quốc gia của Thái Lan thành lập năm 2003, hoạt động chủ yếu ở khu vực ASEAN. Họ có 4 khu vực kinh doanh chính là logistic kho bãi – xây dựng khu công nghiệp – công nghiệp năng lượng – dịch vụ kỹ thuật số.

Theo đánh giá của bà Jareeporn Jarukornsakul, nền kinh tế Việt Nam dường như đã sẵn sàng cho việc bứt tốc trong tương lai bởi Việt Nam có nhân sự chất lượng, đủ khả năng sử dụng thiết bị và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Yếu tố này vô cùng quan trọng vì nếu có mang công nghệ kỹ thuật cao về mà Việt Nam không có con người vận hành chúng cũng vô ích. Bây giờ không còn là thời của nhân công rẻ mà là thời của nhân công bậc cao có tay nghề”, Chủ tịch WHA khẳng định

Cũng theo vị nữ doanh nhân này, các doanh nghiệp cần chi mạnh tay cho mảng logistics. Làm chủ khu công nghiệp ở Thái Lan không đơn thuần là mua bán đất mà phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng lẫn logistics thông minh một cách bài bản, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đầu tư vào khu công nghiệp.

Trong thương mại điện tử, 90% hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào logistics. Vai trò của ngành logistics trong cách mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng quan trọng, do đó các doanh nghiệp Việt cần phải đầu tư công nghệ xứng tầm cho ngành logistics.

Ở một góc nhìn khác, ông Noppadol Dej-Udom, Phó chủ tịch HĐQT SGC và Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn CP nhìn nhận: “Với CP, ba yếu tố tạo nên công nghiệp cách mạng 4.0 là: thấu hiểu khách hàng của chúng ta là ai, công nghệ phá vỡ giới hạn, con người là ưu tiên đầu tiên”.

Charoen Pokphand (CP) Group được thành lập năm 1921, hoạt động trong các lĩnh vực chính như nông nghiệp, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin… với thương hiệu nổi bật như 7-Eleven. Hiện CP hoạt động trên 30 quốc gia, xuất khẩu sản phẩm ra 100 quốc gia, với 300.000 nhân viên, doanh thu năm 2017 là 97 tỷ USD.

Tập đoàn CP đặt văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1998, đến nay đã có 6 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, 3 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, 2 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản và 3 nhà máy chế biến thực phẩm với quy mô hiện đại tầm thế giới.

CP Việt Nam hiện đang hợp tác xây dựng trên 3.000 trang trại chăn nuôi, để tạo ra chuỗi khép kín Thức ăn chăn nuôi – Trang trại – Chế biến và phân phối thực phẩm. CP Việt Nam hiện có khoảng 20.000 nhân viên.

Về thấu hiểu khách hàng: CP luôn tập trung nghiên cứu và tìm hiểu xu hướng tiêu dùng của khách hàng đầu cuối. CP chưa bao giờ ngừng tìm hiểu hành vi ứng xử của người tiêu dùng.

Về công nghệ phá vỡ giới hạn: Hiện CP đã số hóa tất cả mọi thứ, dùng công nghệ cao hơn để quản lý tốt hơn. Cùng một nhà máy, trước kia, CP cần từ 10 đến 15 nhân sự cao cấp để quản lý nhưng bây giờ chỉ cần 2 người.

Công nghệ đã giúp CP phát triển bền vững hơn, tập đoàn đã thay đổi mô hình kinh doanh trở nên lạc hậu hơn thập kỷ qua, sáng tạo nên mô hình kinh doanh mới, có thể cộng thêm giá trị cho người tiêu dùng mà không cần dùng thêm tài nguyên.

Mô hình kinh doanh truyền thống: sau khi nông dân thu hoạch nông sản, phải qua nhiều lớp trung gian mới đến tay doanh nghiệp. Với mô hình này, nông dân và người tiêu dùng là 2 bên thiệt hại nhiều nhất, thị trường hoàn toàn bị khuynh đảo bởi tầng lớp trung gian – “đầu nậu”.

Mô hình kinh doanh hiện đại: thay thế các bên trung gian bằng công nghệ, theo đó, trao trả lại vị thế đứng đầu chuỗi giá trị cho người nông dân.

Tuy nhiên, khi chuyển từ mô hình truyền thống qua hiện đại, CP có thời gian quá độ, vì công nghệ không thể thay đổi mọi thứ trong một đêm. Phải có lộ trình thay đổi phù hợp để tầng lớp trung gian có thời gian thích ứng và họ cũng được hưởng giá trị cộng thêm trong mô hình kinh doanh mới.

Vậy, CP đã đo lường giá thị trường như thế nào? Giá nông sản được CP đưa ra theo nguyên tắc: bảo đảm thu nhập cho người nông dân có thể sống tốt, vì họ chính là người nắm giữ an ninh lương thực thế giới.

Ông Noppadol Dej-Udom, Phó chủ tịch HĐQT SGC kiêm Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn CP

Về con người là ưu tiên đầu tiên: Chủ tịch của CP luôn yêu cầu các nhân viên của mình hãy đối xử với nông dân trong chuỗi cung ứng của công ty như ‘người vợ’ ở nhà vì họ chính là lực lượng lao động vất vả nhất để tạo ra lương thực.

Năm ngoái, tại Thái Lan, CP đã tiến hành bảo hiểm chống lại thiên tai cho một số nông dân. Ví dụ, một người dân có đàn gà 1.000 con, đột nhiên thiên tai ập đến gà chết hết, họ sẽ được công ty bảo hiểm trả lại số tiền tương đương giá trị đàn gà khi bán ra thị trường.

Ngoài ra, CP còn tiến hành đào tạo về quản trị và makerting cho người nông dân của mình, khuyến khích họ sử dụng điện thoại di động để học thêm kiến thức về canh tác, tìm hiểu nhu cầu thị trường, ứng dụng các phương pháp makerting hiện đại…

Quỳnh Như

Chúc Anh Chị ngày vui!

X