Quan hệ kinh tế Việt – Trung qua các con số

Quan hệ kinh tế Việt - Trung qua các con số

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: VNE.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 12/11 đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam kéo dài đến ngày 13/11.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam ngay sau Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm phát huy xu thế tích cực, tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Chuyến thăm thúc đẩy trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị giữa hai bên, nâng cao hiệu quả hợp tác trên hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Trung Quốc hiện là đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Riêng về quan hệ kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 8 ở Việt Nam…
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam
Theo số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2017, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Viêt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 73,3 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng hơn 20% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Nhìn vào biểu đồ cán cân thương mại Việt – Trung dưới đây có thể thấy cán cân thương mại hai nước trong những năm gần đây phát triển không ngừng. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ lệ nhập siêu khá cao. Tuy nhiên, từ năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 có xu hướng giảm bớt giá trị nhập siêu so với năm 2014 và 2015.
Chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng có những tín hiệu tích cực khi giá trị được cải thiện dần qua các năm.

 Số liệu: Tổng cục Hải quan Việt Nam.

 Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2017.

 Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2017.
Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất
10 tháng đầu năm 2017, trong tổng số 45 nhóm hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc thì có tới 8 nhóm hàng hoá có giá trị đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Lớn nhất là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với gần 9 tỷ USD, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện 6,6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,7 tỷ USD…

Nhóm hàng hoá nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2017 (Đơn vị: Tỷ USD)  

Ở chiều ngược lại, có 42 nhóm các loại hàng hoá được xuất khẩu sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2017. Trong đó, các mặt hàng chủ yếu bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; rau quả…

 Nhóm hàng hoá xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2017 (Đơn vị: Tỷ USD)  
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 8
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), tính riêng 10 tháng của năm 2017, tổng số vốn đăng ký đầu tư từ Trung Quốc đạt hơn 1,8 tỷ USD.
Nếu tính lũy kế, tổng số vốn các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư tại Việt Nam gần 12 tỷ USD, xếp thứ 8 trong tổng 128 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Top 9 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam (tỷ USD).  

1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam là Trung Quốc

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 10 triệu lượt người, trong đó khách Trung Quốc chiếm hơn 3,24 triệu lượt người. Như vậy bình quân khoảng 3 lượt khách quốc tế đến Việt Nam lại có một người từ Trung Quốc.
Nhìn vào biểu đồ dưới đây có thể thấy lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm. Đây là quốc gia có lượng khách vào Việt Nam đông đảo nhất qua nhiều năm liền.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước Việt – Trung cũng đã tiến hành ký kết nhiều văn kiện và trao nhiều văn bản có nội dung thúc đẩy hợp tác về kinh tế như: Bản ghi nhớ về việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung về xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Bộ Công thương nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;

Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác, hợp tác thương mại điện tử giữa Bộ Công thương nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc xác định danh mục các dự án hợp tác trọng điểm của quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 2017-2021;
Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo;
Văn bản chấp thuận nguyên tắc việc thành lập Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Hà Nội; Văn bản Thỏa thuận đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất lốp xe..

N.MẠNH

Nguồn: bizlive

Chúc Anh Chị ngày vui!

X